Cuối tháng Năm vừa qua, cụ Franz Faber, một người có nhiều "duyên nợ" với nàng Kiều đã qua đời ở Berlin, thọ 97 tuổi. Ngày 6/6, Tham tán Trương Công Hùng và Bí thứ thứ Nhất Chu Thị Thu Phương đã thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức đã tới tham dự lễ tang, đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Cụ Franz Faber và cụ bà Irene Faber là hai người đã dịch "Truyện Kiều" của đại văn hào Nguyễn Du sang tiếng Đức dưới tên "Das Maedchen Kieu" (Cô gái Kiều). Năm 2006, phóng viên TTXVN đã có dịp tới thăm cụ tại nhà riêng ở quận Pankow, Berlin. Khi đó, cụ bà đã mất, nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du hay nói tới chữ "duyên", chữ "nợ" và "định mệnh". Trong câu chuyện cụ Franz Faber kể lại, tôi thấy phảng phất một chút gì đó như là cái duyên, cái định mệnh đã gắn cuộc đời hai cụ với nàng Kiều và Nguyễn Du, cũng như với Việt Nam nói chung. Cụ Franz Faber cho biết, cuối năm 1954, ngay sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, cụ đã được dẫn một đoàn đại biểu báo chí Cộng hòa dân chủ Đức sang Việt Nam và có nhiều dịp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm địa phương, như tới vùng sông Đà, nơi ở của nhiều dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng... Chuyến thăm đã để lại những ấn tượng sâu đậm không thể nào phai, như cụ đã mô tả trong cuốn "Sông Cái đỏ rực", trong đó đăng nhiều ảnh của cụ cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà cụ đã cho chúng tôi xem.
(Cụ Franz Faber và Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954)
Trước khi ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cụ 2 tập "Truyện Kiều" được chú giải bằng tiếng Pháp, những cuốn sách cực hiếm lúc bấy giờ và nói: "Cũng có thể ông làm được việc gì đó với những cuốn sách này!" Cụ Faber trân trọng đưa cho chúng tôi xem hai cuốn sách đã ngả vàng vì thời gian, nhưng được xếp ngay ngắn trong giá sách. Khi về nước, cụ ông Franz Faber đã hào hứng kể lại câu chuyện và đưa hai cuốn sách trên cho người bạn đời của mình, cụ bà Irene Faber xem. Hai cụ bàn nhau và quyết định tìm cách dịch cuốn truyện này ra tiếng Đức. Cụ bà Irene là một nhà ngôn ngữ học, rất thông mình, có năng khiếu ngoại ngữ, biết tới 5 thứ tiếng ở châu Âu. Với tác phong của một nhà khoa học ngữ văn, cụ Irene không muốn dịch một tác phẩm lớn như "Truyện Kiều" qua một ngôn ngữ thứ ba như tiếng Pháp, vì sợ rằng mất đi bản sắc, mất đi cái "hồn" của tác phẩm, mà đưa ra một quyết định táo bạo là bỏ tiền riêng để đi học tiếng Việt nhằm dịch bằng được "Truyện Kiều" ra tiếng Đức. Hai vợ chồng cụ Faber hiểu rằng dịch "Truyện Kiều" là một thách thức lớn đối với bất kỳ một dịch giả nào, vì đây là một tác phẩm chữ Nôm, chứa rất nhiều điển tích, lại được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, một thể loại không có trong tiếng Đức. Cụ Faber cho biết, khi còn ở Việt Nam, hai cụ đã xin gặp các học giả Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh để lắng nghe ý kiến của họ, khi về Đức, nhiều lúc gặp những điển tích khó, không có tài liệu tra cứu và vì hoàn cảnh lúc bấy giờ không thể sang Pháp tìm hiểu, vì Đức và Cộng hoà Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với nhau, hai cụ đã phải nhờ cụ ông thân sinh cụ bà Irene Faber đang sống ở Cologne, Đức, sang Paris, vào Viện Hàn lâm Pháp để tra cứu giúp. Cứ như vậy, ròng rã trong 7 năm trời, hai cụ đã hoàn thành bản dịch. Cụ Franz Faber nhớ lại, trong suốt thời gian này, hai cụ như nhập tâm vào nhân vật, có cảm giác như mình là người châu Á, là người Việt Nam vậy. Năm 1964, bản dịch "Truyện Kiều" đầu tiên bằng tiếng Đức với lời nói đầu của Giáo sư tiến sĩ Johannes Dieckmann, nguyên Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa dân chủ Đức khi đó, được ra mắt độc giả và 10 giờ ngày 6/3/1965, trong một buổi lễ lọng trọng tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội, hai cụ Irene và Franz Faber đã trân trọng kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cuốn trong lần xuất bản đầu tiên này. Từ đó tới nay, "Truyện Kiều" bằng tiếng Đức của hai cụ đã được tái bản 3 lần năm 1976, 1980 và 2000. Sắp tới, bản dịch này được phát hành dưới dạng sách điện tử. Đã nhiều lần sang Việt Nam, trong đó có tới 3 năm làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Cộng hòa dân chủ Đức ADN và báo Nước Đức Mới từ 1964 tới 1967 tại Hà Nội, đúng vào thời kỳ chiến tranh ác liệt của Mỹ đang leo thang ở Việt Nam, cụ Faber đã lưu giữ những ấn tượng không thể nào phai về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về đất nước, con người Việt Nam nói chung. Cụ Franz Faber tâm sự: "Tôi đã đi trên 40 nước trên thế giới, gặp rất nhiều người, nếu bây giờ phải quyết định sống ở đâu ngoài nước Đức, tôi sẽ chọn Việt Nam". Cụ giải thích: "Tôi đánh giá rất cao việc tôn sư trọng đạo, thái độ kính trọng tổ tiên, gia đình, người cao tuổi của người Việt Nam." Cụ chỉ cho chúng tôi xem chiếc ảnh một phụ nữ xinh đẹp đặt trên nóc tủ và kể đây là Claudia Borchert, có tên Việt là Việt Đức, con của ông Winfried Borchert, một người Đức đã rời bỏ hàng ngũ quân đội Lê Dương Pháp sang với Việt Minh, được Bác Hồ đặt tên là Chiến Sĩ, mẹ là người Việt. Mặc dù đã trở lại Đức tới 40 năm, nhưng chị Claudia vẫn giữ nhiều đức tính quý của người Việt như vẫn thường xuyên qua lại thăm nom, săn sóc cụ. Trước khi chúng tôi ra về, cụ Faber nói vui: "Có lẽ tôi có duyên với cụ Nguyễn Du, vì tôi sinh vào ngày 14/9, trước cụ Nguyễn Du 2 ngày." Tiếc thương cụ Franz Faber, tôi nhớ lại câu thơ mà cụ Nguyễn Du từng than: " Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như," có bản dịch là: "Ba trăm năm nữa nào ai biết Thiên hạ ai người khóc Tố Như." Nếu linh thiêng, chắc hẳn cụ Nguyễn Du-Tố Như biết rằng thế hệ cháu con người Việt ngày nay vẫn luôn trân trọng những tác phẩm bất hủ mà cụ để lại và không những thế, những tác phẩm đó đã được truyền bá đi nhiều nơi thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Và người Việt Nam cũng không quên công lao hai cụ Irene và Franz Faber, những người đã mang nội dung và tinh thần "Truyện Kiều" đến với độc giả Đức./.
Văn Long/Belin (Vietnam+)