Người đứng đầu Agribank làm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII, Hội đồng đã bầu ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội và ông Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Thư ký.
Người đứng đầu Agribank làm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ảnh 1Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VII. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chiều 10/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2020-2024) và bầu nhân sự mới.

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII với 13 thành viên, trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đảm nhiệm chức vụ ngân hàng Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII.

Tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII, hội đồng đã bầu ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thay ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Ngân hàng BIDV làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VII và ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước làm Tổng Thư ký.

[Giảm phí ngân hàng: Cần sự chung tay của nhà mạng và tổ chức thẻ]

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh nhiệm kỳ VII, Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác vận động các tổ chức hội viên quán triệt và tích cực hưởng ứng, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham vấn về mặt chính sách, đặc biệt các chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, Hiệp hội Ngân hàng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Ngân hàng Nhà nước tới các tổ chức hội viên để các hội viên có thể hiểu và thực hiện chính sách tốt hơn. Cần phát huy hơn nữa vai trò là đầu mối tổng hợp các vướng mắc của tổ chức hội viên và đề xuất các kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đặc biệt có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức hội viên và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về hoạt động của ngành ngân hàng./.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hiện có 73 tổ chức hội viên, bao gồm 58 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 40 ngân hàng thương mại, 11 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 13 công ty Fintech và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, giữ ví trí chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản xã hội rất lớn với tổng tài sản đến nay chiếm gần 90% toàn ngành (trên 11,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 82% toàn ngành (515.000 tỷ đồng).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục