Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm

Ở tuổi 70, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi, truyền dạy miễn phí cho các thế hệ sau; góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm ảnh 1Nghệ nhân Ưu tú Kim Dung. (Nguồn: TTXVN phát)

Bỏ lại phía sau những bộn bề của cuộc sống hiện đại, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung luôn dành hết tình yêu, niềm đam mê của mình cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là hát xẩm.

Ở tuổi 70, bà vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi, trình diễn tại các sự kiện lớn nhỏ, truyền dạy miễn phí cho các thế hệ sau; góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Tình yêu với nghệ thuật hát xẩm

Hát xẩm là loại hình ca nhạc đặc biệt của lớp người khiếm thị trước đây, thường xuất hiện ở các bến đò, bến sông, bến tàu, góc chợ...

Hát xẩm được nhân dân vô cùng yêu thích, không kể nông thôn hay thành thị.

Trải qua một khoảng thời gian tưởng như thất truyền, hát xẩm vẫn được duy trì và ngày càng có ảnh hưởng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt với người Hà Nội.

Bất cứ ai khi nghe xẩm chắc hẳn sẽ giữ lại cho mình những ấn tượng sâu sắc về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

[Bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm - loại hình diễn xướng dân gian độc đáo]

Đến thăm nghệ nhân Kim Dung tại làng Mọc Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi được nghe bà trải lòng về những đam mê với nghệ thuật truyền thống hát xẩm.

Cho đến bây giờ, nỗi đau đáu với việc gìn giữ, lan tỏa tình yêu âm nhạc dân gian vẫn ngập tràn trong tâm hồn người nghệ sỹ này.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha là nghệ nhân hát xẩm tại xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, ngoại thành tỉnh Nam Định.

Từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Kim Dung đã theo cha đi nghe hát, dạy hát, dần dần học được những làn điệu đơn giản nhất.

Nhắc về những năm tháng đó, bà kể, nhiều lần theo cha đi chợ “gốc nhãn,” hình ảnh hai ông bà mặc áo tơi lá, bà gõ trống, ông kéo nhị cùng những bài xẩm vang lên khi ấy vẫn còn in sâu trong ký ức nghệ nhân Kim Dung.

Được sự truyền dạy của cha, sau đó tham dự lớp học hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Đoàn chèo Nam Hà, nghệ nhân Kim Dung đã được rèn luyện bài bản, từ cách hát, cách lấy hơi nhả chữ đến cách luyến láy.

Sau này, dù làm công nhân trong một nhà máy gia công cặp sách, mũ ở thành phố Nam Định, bà vẫn dành thời gian tập hát, tham gia các phong trào, các đội văn nghệ và luôn học hỏi những người đi trước. Trong một cuộc thi của ngành nội thương được tổ chức tại Nghệ An, nghệ nhân Kim Dung đã giành huy chương Vàng với bài xẩm “Nghị quyết Đảng ta."

Không chỉ vậy, bà còn giành giải Nhất cuộc thi hát dân ca Đài tiếng nói Việt Nam năm 2007, huy chương Vàng trong Liên hoan hát Văn và hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2010, cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen.

Mới đây, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung là nghệ nhân hát xẩm duy nhất được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Nhìn lại những bức ảnh biểu diễn được cất giữ cẩn thận suốt bao năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Kim Dung xúc động chia sẻ: “Nghệ thuật truyền thống đã ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay, niềm đam mê ấy cứ mỗi ngày một lớn trong tôi và không có gì đổi được.”

Hiện tại, bà vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi, học hát xẩm từ nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch, học ngâm thơ cổ từ Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoài.

Gieo đam mê cho những mầm non

Trở về sống tại làng Mọc Quan Nhân, một trong những “cái nôi” của âm nhạc truyền thống, nghệ nhân Kim Dung coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Với vốn ca hát và niềm đam mê những làn điệu cổ truyền, năm 2009, bà thành lập Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân. Tổng số hội viên ban đầu là 55 người, trong đó có 3 thành viên ban chủ nhiệm.

Các cô, các bác ở làng từ những người vốn chỉ quen với việc cầm liềm cắt lúa, sản xuất dây chuyền trong nhà máy, nay biết xòe quạt, gảy đàn, thả hồn mình với những làn điệu dân ca.

“Ai ai cũng hứng thú, nhiệt tình, dù mưa gió cũng không bao giờ bỏ tập,” nghệ nhân Kim Dung kể lại.

Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm ảnh 2Nghệ nhân Ưu tú Kim Dung dạy các em nhỏ trong Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân. (Nguồn: TTXVN phát)

Thời gian sau, bà quyết định truyền dạy thêm cho các em thiếu nhi, từ 8-15 tuổi, vào mỗi buổi chiều thứ Bảy hằng tuần. Các em nhỏ đến lớp vì niềm yêu thích, chăm chỉ học hỏi, tham gia các chương trình biểu diễn ở làng, diễn giao lưu ở thành phố và giành không ít giải thưởng lớn nhỏ.

Bất kể loại hình nghệ thuật nào cũng có cái khó riêng của nó. Khác với hát chèo, hát văn, hát xẩm đòi hỏi phải tròn vành rõ chữ, giản dị như cách ta trò chuyện, nghệ nhân Kim Dung chia sẻ.

Mỗi khi giảng dạy, bà đều có giáo án chi tiết, tỉ mỉ bởi trẻ em như những tờ giấy trắng, tiếp nhận các kỹ năng ban đầu như nào sẽ gây ấn tượng lâu với các kỹ năng đó.

Bà đưa bài cho các em, gạch nhịp, hướng dẫn các em thuộc lời, nắm vững nhịp phách, sau đó mới hát.

Từ những đứa trẻ thơ chưa biết âm nhạc truyền thống là gì, các em dần dần hiểu hơn, yêu mến và say mê hơn với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Ở một số trường học như Trung học Cơ sở Nhân Chính (phường Nhân Chính), Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi (phường Khương Trung), học sinh còn hát những bài xẩm tươi vui trong lễ chào cờ đầu tuần.

Kể về những kỷ niệm đáng nhớ của mình, nghệ nhân Kim Dung liền nhắc đến một cháu nhỏ chưa biết đọc chữ, nhưng rất thích nghe hát xẩm, thích cầm giấy hát, hàng tuần theo bố và chị gái đến câu lạc bộ.

Phụ huynh khi đưa con đến học cũng ngồi nghe chăm chú, ghi âm nghệ nhân hát để về nhà nghe lại. Chính những điều ấy đã trở thành động lực để Nghệ nhân Ưu tú Kim Dung ngày càng tâm huyết hơn, cống hiến nhiều hơn.

Dù không nhận được bất kỳ thù lao nào, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Kim Dung vẫn luôn hết mình với việc truyền dạy. Bởi với bà, âm nhạc truyền thống như một dòng chảy không bao giờ tắt và gieo niềm đam mê cho thế hệ tương lai chính là tiếp nối cho dòng chảy tuyệt vời đó.

“Ngày nay, trẻ con dễ bị cuốn theo những thể loại âm nhạc mới như rap, hiphop... Tuy nhiên, có rất nhiều em nhỏ thích thú, say mê âm nhạc cổ truyền bởi thế, nghệ thuật truyền thống sẽ không bao giờ mất,” nghệ nhân Kim Dung chia sẻ. Điều đó càng được khẳng định hơn khi xã hội hiện đại có những người như nghệ nhân ưu tú Kim Dung, hơn cả một người thầy, đó là người đang bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục