Người lao động đề xuất tăng ngày nghỉ lễ, giảm thời gian làm việc bình thường

Thông qua tổ chức công đoàn, người lao động đã bày tỏ nguyện vọng, đề xuất nghiên cưu tăng ngày nghỉ lễ, Tết; giảm thời gian làm việc bình thường, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng...

Người lao động đề xuất sớm nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Người lao động đề xuất sớm nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước. Theo đó, thông qua đại hội công đoàn các cấp, từ 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn 8 vấn đề lớn.

Một trong những vấn đề kiến nghị của đoàn viên, người lao động đưa ra là sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.

Theo đó, Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) đã nêu rõ “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.” Người lao động đề xuất sớm thực hiện điều chỉnh thời giờ làm việc bình thường để công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra, công đoàn viên, người lao động còn đề xuất nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm vào thời điểm thích hợp vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Cụ thể, đề xuất nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ ngày 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

tang-luong-908.jpeg
Người lao động mogn muốn tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công đoàn viên, người lao động cũng đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động. Theo đó, người lao động mong muốn tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.

Công đoàn viên và người lao động mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao.

Đối với việc thực thi pháp luật lao động, công đoàn viên, người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng cần tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động. Theo đó, người lao động mong muốn thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động; khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương.

Bản sao bhtn.jpg
người lao động mong muốn thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.

Đối với các hoạt động của tổ chức công đoàn, công đoàn viên, người lao động đề xuất, kiến nghị về 5 vấn đề: Ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công nhân, Công đoàn; xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn; Đảng và Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới; Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động; tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục