Người nước ngoài bắt đầu sơ tán khỏi Cote d'Ivoire

Người nước ngoài ở Cote d'Ivoire bắt đầu sơ tán khỏi thành phố Abidjan trong bối cảnh các cuộc giao tranh bước sang ngày thứ tư.
Ngày 3/4, người nước ngoài ở Cote d'Ivoire bắt đầu sơ tán khỏi thành phố Abidjan trong bối cảnh các cuộc giao tranh ở thành phố này đã bước sang ngày thứ tư.

Phái bộ Liên hợp quốc tại Cote d'Ivoire đã sơ tán khoảng 200 nhân viên sau những cuộc tấn công thường xuyên của các lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo nhằm vào trụ sở cơ quan này. Lệnh sơ tán được áp dụng đối với tất cả "các nhân viên quan trọng."

Những nhân viên không có nhiệm vụ quan trọng đã được sơ tán vài tháng trước, các nhân viên quân sự của Liên hợp quốc vẫn còn ở lại Cote d'Ivoire.

Quân đội Pháp tại Cote d'Ivoire cũng cho biết 167 người nước ngoài, trong đó có công dân Pháp và Lebanon, đã rời Abidjan ngày 3/4 để tới thủ đô Dakar của Senegal. Xung đột tại Abidjan đã khiến hơn 1.500 người nước ngoài phải tới lánh nạn tại một doanh trại của quân đội Pháp.

Hiện quân đội Pháp đã kiểm soát được sân bay chính ở thành phố Abidjan và Paris cũng đã điều động thêm 300 lính tới thành phố này.

Sáng 3/4, người dân và các phóng viên hãng tin Pháp AFP cho biết các lực lượng ủng hộ ông Alassane Ouattara, Tổng thống mới đắc cử được cộng đồng quốc tế công nhận, vẫn duy trì các vị trí của mình và thỉnh thoảng xảy ra các vụ đấu súng hạng nặng ở gần dinh tổng thống.

Hiện nơi ở của ông Gbagbo chưa được xác định. Tình hình căng thẳng tại Abidjan đã lên mức cao khi người dân, phần lớn do lo sợ "tên bay đạn lạc," đã rời bỏ nhà cửa và chờ đợi một thỏa thuận cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo đối lập.

Trong khi lãnh đạo hai lực lượng đối lập ở Cote d'Ivoire tiếp tục đổ lỗi cho nhau về vụ "thảm sát" làm ít nhất 800 người thiệt mạng ở thành phố Duekoue, miền Tây nước này tuần trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban ki-Moon ngày 3/4 đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc và báo động" trước những thông tin về "vụ thảm sát" và đề nghị ông Ouattara có biện pháp xử lý đối với những người của phe ông tham gia vụ việc này.

Trước đó, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC), Liên hợp quốc và một số tổ chức khác cho biết vụ sát hại hàng loạt nói trên đã xảy ra trong một chiến dịch của các lực lượng ủng hộ ông Ouattara nhằm giành lại khu vực đang bị Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo nắm giữ. Theo ICRC, số người thiệt mạng là 800 người, song tổ chức từ thiện Caritas cho biết có 1.000 người chết hoặc mất tích trong vụ này.

Tuy nhiên, trong một cuộc điện đàm tối 2/4, Tổng thống đắc cử Ouattara đã khẳng định rằng các lực lượng của ông không dính líu tới vụ việc trên. Ông cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra làm rõ sự việc, đồng thời cho biết sẵn sàng hợp tác với một đoàn điều tra quốc tế.

Trong khi đó, người phụ trách cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos cho biết Liên hợp quốc sẽ tiến hành điều tra vụ sát hại mà bà gọi là "hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục