Người phụ nữ 85 tuổi lấy “lá lành” để che “lá rách”

Tấm lòng của bà Trương Thị Nhân cũng giống như cái tên của bà, lúc nào cũng vị tha và luôn xót thương cho những cảnh đời bất hạnh.
Phóng viên Vietnam+ tìm gặp bà Trương Thị Nhân, 85 tuổi - người vừa được thành phố Hà Nội trao danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô, trong ngôi nhà của con gái bà trên phố Lê Văn Hưu. Đặt cuốn sách đang đọc dở sang một bên, bà trò chuyện với phóng viên những câu chuyện buồn vui trong hàng chục năm bà đi “ăn mày” cho người nghèo.

Cặm cụi với công tác Hội

Những người có hoàn cảnh khó khăn cũng như những tấm lòng hảo tâm không chỉ ở riêng phường Phạm Đình Hổ, ai cũng biết đến bà Trương Thị Nhân, một người suốt hơn hai mươi năm qua luôn cần mẫn với công tác từ thiện.

Bà Nhân từng làm Tổng Giám đốc của Tổng Công ty vận tải thuê tàu với những quyết đoán táo bạo đã đưa lại sự thành công nhanh chóng và vững chắc cho Tổng Công ty này. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1990, bà về giữ chức Phó Chủ tịch Hội từ thiện Tấm Lòng vàng, năm 2002 bà còn làm Chủ tịch Hội Khuyến học…

Ở cương vị nào, bà Nhân cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, bởi trong bà lúc nào cũng văng vẳng bên tai lời dặn dò của Bác với bà năm xưa: “Việc tốt thì mấy cũng làm.”

Bà Nhân cho biết, do hầu hết các hội viên của Hội từ thiện Tấm Lòng vàng đều đã tuổi cao sức yếu nên công tác của hội gặp nhiều khó khăn. Thôi thì cũng tuổi già nhưng bà còn sức thì còn nhiệt tình để hoàn tất trách nhiệm của mình với Hội và với người bất hạnh cho trọn tình vẹn nghĩa.

Ngày nào bà Nhân cũng len lỏi hết con phố nọ đến ngõ ngách kia, gõ cửa từng nhà, ấn chuông từng doanh nghiệp để xin họ giúp tiền cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Chẳng ai ngờ rằng, một người từng làm Tổng Giám đốc của một Tổng Công ty lớn lại không quản ngại rong ruổi mọi nơi xin cả những đồng tiền lẻ. Chỉ vì ý nghĩ vài ba nghìn cũng có thể mua cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được một quyển vở hay một cái bánh mì mà bà chẳng ngại những lần bị người ta hiểu lầm.

Nếu không có một tình thương lớn lao với những người khốn khổ trong xã hội, liệu chăng một nguyên Tổng Giám đốc lại sẵn sàng đối diện với lời khiếm nhã của một số người bà gõ cửa quyên tiền.

Tạo dựng uy tín

Sau những lần bị hiểu lầm, bà Nhân đã nghĩ ra cách giữ uy tín cho Hội từ thiện. Mỗi gia đình nhận được tiền hỗ trợ sẽ được biết người hảo tâm giúp đỡ mình là ai, rồi họ viết một lá thư cảm ơn tới tấm lòng hảo tâm đã giúp mình. Lá thư này sẽ được chính quyền địa phương xác nhận, bản chính gửi lại cho nhà hảo tâm, còn bản sao được Hội lưu lại.

Như vậy, bà Nhân đã làm được việc trọn tình vẹn nghĩa, kẻ làm phúc thì yên tâm biết đồng tiền của mình đã dùng vào đúng mục đích, còn người nhận ơn cũng biết được ai là thi ân của mình, nhờ vậy, tiếng tăm về uy tín của Hội cũng ngày một bay xa.

Không chỉ vậy, là người có kinh nghiệm trong việc đàm phán và thương thuyết nên bà Nhân dễ lấy được sự thông cảm và chia sẻ của những tấm lòng trong xã hội.

Ví như, hiểu được cái khó của những người đã nhiều lần vét tiền túi ra cho người dưng nên bà không chỉ giải thích ý nghĩa sự giúp đỡ của họ đối với người nghèo mà bà còn nói với họ: “Tôi rất biết ơn những cá nhân, gia đình và doanh nghiệp đã giúp tôi làm được phần nhỏ lời Bác dạy và tôi được sống vui lúc cuối đời.”

Bằng sự chân thành và tình thương kẻ nghèo khổ của bà đã cộng hưởng sang nhiều người khác để rồi mọi người sẵn sàng chung tay với bà trong công tác từ thiện. Hơn nữa, nhờ uy tín bà Nhân tạo dựng được nên có nhiều gia đình và doanh nghiệp hảo tâm sau khi làm việc với bà đã tự tìm đến nhà, đến Hội để nhờ bà chuyển tiền của họ tới những hoàn cảnh khó khăn.

Không thôi xót xa

Hơn 20 năm làm từ thiện, bà Nhân đã chứng kiến bao nhiêu số phận bất hạnh đầy xót xa để rồi khi về nhà bà cứ day dứt và đau đáu làm sao có thể đỡ đần được họ.

Trường hợp cảm động của vợ chồng ông già và đứa con trai phải ăn nhờ ở đậu dưới gầm cầu thang ở Bạch Mai trong nhiều năm trời. Thương xót những cảnh đời hẩm hiu ấy, bà Nhân đã đề nghị với Hội từ thiện gửi tiền cho hàng cơm ở gần đó để ngày ngày họ đưa cơm đến cho đôi vợ chồng già này.

Khi biết tin đôi vợ chồng già đã qua đời, bà Nhân tỏ ra xót xa nhắc lại câu nói của đứa con hai kẻ bất hạnh đó: “Cháu nuôi được bố mẹ chỉ bằng một cái bóng đèn.”

Có khi bà Nhân lại rưng rưng xúc động vì được nghe lời chân thành của người công nhân có mẹ già, em điên phản hồi rằng: “Nhờ có mái nhà bà và Hội lợp cho mà mẹ con cháu yên tâm ngủ không còn phải sợ mưa dột và gió máy nữa...”

Không chỉ nhiệt tình với công tác của Hội, hơn 10 năm nay, bà Nhân cùng 6 người cháu của mình còn đỡ đầu cho 6 gia đình trên địa bàn Hà Nội để giúp các con của họ có điều kiện học hành.

Người phụ nữ với đôi mắt sáng trên gương mặt phúc hậu dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn ngày ngày trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân để rồi truyền lại kiến thức đó cho con, cháu.

Bà cho biết, bà thường đọc sách hồi ký của những người có công với đất nước để học hỏi họ. Trên bàn của bà đầy những cuốn hồi ký bà đã, đang và sẽ còn tiếp tục đọc.

Trong gia đình, bà Nhân luôn hướng con cháu hiểu và làm việc nghĩa. Bà nói: “Tôi muốn giáo dục cho con cháu lòng nhân ái. Làm việc thiện đừng bao giờ sợ thiệt.”

Tấm lòng của bà Nhân giống như cái tên của bà, lúc nào cũng xót thương cho những cảnh đời bất hạnh, quan trọng hơn, bà kiên trì biến tình thương yêu ấy thành hành động giúp đỡ họ. Hơn 20 năm qua, không nhớ hết hàng bao nhiêu số phận đã được nương tựa vào bà, bao nhiêu người nhờ có bà kiên trì giúp đỡ mà có được cuộc sống ấm êm hay ít nhất cũng bớt phần khốn khổ.

Những việc làm của bà ý nghĩa và lớn lao như vậy nhưng khi nói chuyện với tôi bà vẫn nói, mình làm đã được bao nhiêu đâu. Tôi nhớ nhất, lúc tôi ra về bà còn giữ tay tôi lại dặn dò: “Chị đừng viết quá lên, tôi có mười, chị chỉ nên viết tám thôi…”/.


Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục