Người phụ nữ đặc biệt và bữa cơm với Hồ Chủ tịch

Ba lần được vinh dự gặp Bác, giờ bồi hồi nhớ lại, bà Khuê vẫn rưng rưng cảm động về bữa trưa được Bác tự tay chia cho phần cơm nóng.
Mái tóc dài buông xõa, đôi hàng lông mày cong cong, khóe miệng tươi ghi đấu một thời xuân sắc, gặp bà Trương Thị Khuê ít ai có thể nghĩ trong cái thời “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” người phụ nữ ấy kiên gan cầm súng canh giữ từng tấc đất Vĩnh Linh.

Bà cùng đồng đội đã sáu lần bắn rơi máy bay địch, ba lần vinh dự gặp mặt Bác Hồ… Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc gặp với người phụ nữ đặc biệt này - Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Thị Khuê.

Bắn rơi 6 máy bay địch


Nơi đầu sóng ngọn gió của thời kỳ chống Mỹ, năm 1945 Trương Thị Khuê sinh ra trong một gia đình nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất khói lửa ấy đã sớm được hun đúc nên một cá tính mạnh mẽ và quả cảm.

Mới lên chín tuổi thì mẹ mất, tới 18 tuổi bố bị bom Mỹ giết hại, hoàn cảnh gia đình đã rèn cho cô bé Khuê tính tự lập, đảm đang, không chỉ trong gia đình mà ở các hoạt động của cộng đồng như phụ trách đội thiếu nhi, đội du kích…

Năm 1965, ở tuổi 20, Trương Thị Khuê đã trở thành Xã đội phó kiêm trung đội trưởng pháo 12 ly 7 xã Vĩnh Thủy, khu vực Vĩnh Linh. Trong thời gian này bà đã cùng đơn vị dũng cảm, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Bà cùng đồng đội từng bắn rơi sáu chiếc máy bay địch, bắt giữ hàng chục lính Ngụy. Tuy nhiên khi nói về những thành tích này, bà chỉ khiêm tốn nói “của đơn vị đấy, chứ tôi có làm được gì đâu.”

Bởi bà tâm niệm giản dị rằng: “Đừng ai nói với tôi là sao bà lại có thể như thế này, như thế kia. Không phải là người phụ nữ Việt Nam thích chiến đấu đâu. Đỡn giản là vì Mỹ mang quân đến Việt Nam xâm lược nên mình phải đánh trả lại thôi.”

Với những thành tích trong chiến đấu, bà Trương Thị Khuê đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba và Huy hiệu Bác Hồ. Đặc biệt, tháng Tám năm 1968, dân quân xã Vĩnh Thủy đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng, bản thân bà cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Và bữa trưa với Bác…


Tuy nhiên, khi được hỏi trong chặng đường chiến đấu và kiên trung bảo vệ tổ quốc phần thưởng cao quý nhất với bà là gì, bà Khuê nói, đó là ba lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ăn cơm cùng Bác, được kể chuyện chiến đấu cho Bác nghe, được hát phục vụ Bác.

“Tôi không bao giờ có thể quên, bây giờ những hình ảnh ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Bác kể chuyện, đem kẹo cho chúng tôi ăn. Nhưng cảm động nhất là bữa cơm được ăn cùng Bác có đĩa cá tre mà trong tôi gọi là cá hẹ kho, đĩa gà luộc, đĩa rau muống luộc, cà muối. Bữa trưa có thế thôi nhưng ấm áp vô cùng,” bà Khuê bồi hồi nhớ lại.

Nhắc đến đây bà Khuê rưng rưng nói: “Cảm động nhất là Bác tự tay chia phần cơm cho chúng tôi khiến chúng tôi nghẹn ngào không ăn được. Vì nghĩ hoàn cảnh mình là trẻ mồ côi không có ai chăm sóc, nhìn Bác gần gũi và giản dị giống như ông nội, ông ngoại của mình thôi, chứ không giống một vị Chủ tịch nước.”

Cũng trong năm đó, bà Khuê được Bác Hồ cho phép ở lại Hà Nội học tập phục vụ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhưng với tình yêu quê hương mãnh liệt, cùng mong muốn được kề vai thích cánh cùng đồng đội bảo vệ mảnh đất Vĩnh Linh khói lửa, bà lại trở về phục vụ kháng chiến. Chỉ đến khi hòa bình lập lại, bà mới rời tay súng tham gia công tác Hội phụ nữ địa phương.

Hai lần được gặp Bác Hồ sau đó đều trở thành những dấu ấn, để lại nhiều bài học về lối sống cũng như nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ đáng kính và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời bà Trương Thị Khuê.

Năm 1997, bà được tín nhiệm bầu là ủy viên Đảng đoàn-Phó Chủ tịch rồi đến Phó Chủ tịch thường trực, Phó Bí thư đảng đoàn Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nhiều năm liền bà là đại biểu Quốc hội.

Trong gần 30 năm làm công tác hội phụ nữ, bà luôn tâm huyết và có trách nhiệm trước các phong trào của Hội. Bà trăn trở về thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa của phụ nữ vùng sâu, vùng xa, những vấn đề còn bức xúc về lao động nữ trong các khu công nghiệp, sự bất bình đẳng giới diễn ra ở nhiều nơi.

Bởi trong mắt bà, vị thế của người phụ nữ cũng cần được củng cố và nâng cao trong cả gia đình và xã hội. Bà trở thành tấm gương sáng cho các cán bộ phụ nữ của cả nước và ngay tại quê hương mình.

Đến nay, khi đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy,” cái tuổi lẽ ra đã được an nhàn vui vầy cũng con cháu thì bà Khuê vẫn cần mẫn tham gia các công tác xã hội địa phương. Bà tâm niệm “mình từng là cán bộ, phải gương mẫu chứ.”./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục