Người Rohingya tiếp tục đổ về Bangladesh sau thỏa thuận hồi hương

Giới chức Bangladesh ngày 27/11 cho biết dòng người Rohingya từ Myanmar vẫn đổ về Bangladesh kể cả sau khi hai nước đã ký thỏa thuận hồi hương cộng đồng người Hồi giáo này ở khu vực biên giới.
Người Rohingya tiếp tục đổ về Bangladesh sau thỏa thuận hồi hương ảnh 1Người tị nạn Rohingya nhận hàng cứu trợ tại Palongkhali, gần Ukhia sau khi vượt qua sông Naf ở Myanmar để tới Bangladesh ngày 16/10. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Giới chức Bangladesh ngày 27/11 cho biết dòng người Rohingya từ Myanmar vẫn đổ về Bangladesh kể cả sau khi hai nước đã ký thỏa thuận hồi hương cộng đồng người Hồi giáo này ở khu vực biên giới.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ thời thỏa thuận được ký kết, ít nhất 3.000 người Rohingya đã vượt biên sang Bangladesh.

Chỉ huy lực lượng biên phòng Bangladesh, Trung tá S.M. Ariful Islam​ khẳng định dù số người sang Bangladesh đã giảm đi song không có dấu hiệu dừng lại.

Trước đó, Chính phủ Bangladesh và Myanmar đã nhất trí bắt đầu công tác hồi hương cho người tị nạn Rohingya trong vòng 2 tháng tới, từng bước thực hiện thỏa thuận đã ký ngày 23/11 giữa giới chức hai nước, theo đó Myanmar sẽ tiếp nhận trở lại người Rohingya sau khi Bangladesh gửi cho phía Myanmar các thông tin cá nhân của người hồi hương.

Cuối tuần qua, Bangladesh thông báo sau khi trở về Myanmar, người Rohingya sẽ sinh sống trong các lều trại tạm thời.

Tuy nhiên, các thủ lĩnh người Rohingya khẳng định họ sẽ không trở về cho đến khi được công nhận đầy đủ quyền công dân và được bảo vệ.

Làn sóng bạo lực nổ ra tại bang Rakhine​ của Myanmar từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang này buộc chính phủ phải triển khai các chiến dịch an ninh.

Xung đột và các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Bạo lực khiến hơn 620.000 người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ Bangladesh.

Tình trạng này đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế và chỗ ở.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người sẽ được chấp nhận trở lại Myanmar, cũng như tiến trình hồi hương này sẽ kéo dài trong bao lâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục