Người Việt ở Séc bớt nỗi lo về đăng ký giữ quốc tịch

Người Việt định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, chưa mất quốc tịch Việt trước 1/7/2009, phải đăng ký giữ quốc tịch.
Người Việt ở Séc bớt nỗi lo về đăng ký giữ quốc tịch ảnh 1Đại sứ Trương Mạnh Sơn (ngoài cùng bên phải) và phu nhân thăm hỏi cộng đồng người Việt tại một khu chợ ở thành phố Sokolov, tỉnh Karlovarsky. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Chiều 26/4, trong “Ngày văn hóa Việt Nam“ tại Prague, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn nhanh bà Hoàng Lê Thúy Phượng, Bí thư Thứ nhất, Trưởng Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, về vấn đề đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam mà cộng đồng người Việt tại Séc đang rất quan tâm.

- Thưa bà, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm (đến ngày 1/7/2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Điều này sẽ tác động như thế nào tới khoảng hơn 60.000 người Việt ở Séc?

- Bà Thúy Phượng: Tại cuộc họp của Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc ngày 10/4 vừa qua, tôi đã thông báo rằng rất ít người trong cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc chịu tác động của Điều 18 Nghị định 78/2009 NĐ/CP ngày 22/9/2009.

Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật có hiệu lực (1/7/2009) thì phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm (1/7/2009-1/7/2014), nhưng theo số liệu mà tôi có trong tay thì tuyệt đại đa số người Việt ở Séc không thuộc diện nêu trên. Thường thì người Việt đến Cộng hòa Séc theo diện học tập, lao động hoặc thăm thân, đoàn tụ gia đình, họ xuất cảnh hợp pháp, hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng.

Những người Việt ở Séc nếu không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì đã gia nhập quốc tịch Séc và số này hầu hết không còn giữ được quốc tịch Việt Nam.

Lý do là trước ngày 1/1/2014, theo quy định của luật pháp Cộng hòa Séc, người nào nhập quốc tịch Séc, phải có giấy chứng nhận đã được cắt quốc tịch nước gốc hoặc vào quốc tịch nước khác là tự động mất quốc tịch Séc.

Khác với số đông cộng đồng người Việt ở một số nước như Mỹ, Canada, Australia… thời điểm và hoàn cảnh đến khác nhau nên nhiều người không có giấy tờ hợp pháp và kể cả số xuất cảnh bằng giấy tờ hợp pháp nhưng khi nhập quốc tịch sở tại không có quy định bắt buộc phải từ bỏ quốc tịch gốc nên có thể chưa quan tâm đúng mực khi giấy tờ Việt Nam đã hết hạn trước ngày 1/7/2009. Đây là những người thuộc diện điều chỉnh của Điều 18 Nghị định 78/2009 NĐ/CP ngày 22/9/2009.

- Bà vừa sử dụng cụm từ “hầu hết,” nghĩa là có một số người Việt Nam đã nhập quốc tích Czech mà vẫn giữ được quốc tịch gốc của mình?

- Bà Thúy Phượng: Đúng vậy, nhưng đây chỉ là một số trường hợp đặc biệt. Tôi xin nói rõ thêm một chút về điều này. Từ cuối năm 2013 trở về trước luật pháp Cộng hòa Séc quy định rằng bất cứ công dân nước ngoài nếu nhập quốc tịch Séc đều phải chứng minh mình không còn giữ quốc tịch gốc.

Người Việt ở Séc bớt nỗi lo về đăng ký giữ quốc tịch ảnh 2 Bà Hoàng Lê Thúy Phượng trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)
 

Cụ thể là trình giấy từ bỏ quốc tịch gốc đã được các cơ quan có thẩm quyền ở nước đó cấp thì lúc đó mơi được xem xét nhập quốc tịch Séc. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi công dân nước ngoài đáp ứng được những tiêu chí nhất định và được xét nhập quốc tịch Séc mà không phải chứng minh đã từ bỏ quốc tịch gốc.

- Vậy những người Việt đã nhập quốc tịch Séc trước ngày 1/1/2014 mà có nguyện vọng tha thiết giữ lại quốc tịch Việt Nam, phải làm những thủ tục gì, thưa bà?

- Bà Thúy Phượng: Về nguyên tắc Luật quốc tịch Việt Nam chỉ công nhận một quốc tịch tuy nhiên nếu nhập quốc tịch nước khác, không tự động mất quốc tịch. Chủ tịch nước là người ra quyết định cho nhập quốc tịch hay được phép từ bỏ quốc tịch. Những người đã từng làm đơn xin từ bỏ quốc tịch gốc của mình để nhập quốc tịch Séc nay muốn trở lại làm công dân Việt Nam hay muốn làm công dân của cả hai nước thì phải đáp ứng được những điều kiện nhất định và phải được sự chấp thuận của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhân đây, tôi xin lưu ý bà con rằng những người Việt mới nhập quốc tịch Séc từ ngày 1/1/2014 và không bị ràng buộc bởi đòi hỏi từ bỏ quốc tịch gốc, nên quan tâm đến quy định trong vòng 2 năm phải thông báo cho Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam biết mình đã nhập quốc tịch Séc. Không có chế tài xử phạt những người “quên” thực hiện quy định, nhưng từ nay đến 2 năm sau có thể sẽ có những quy định mới về quốc tịch mà ai đã thực hiện thông báo sẽ có nhiều ưu thế hơn.

- Cộng đồng người Việt tại một số nước đã từng bức xúc thái quá vì nắm bắt thông tin không sát về Điều 18 Nghị định 78/2009 NĐ/ CP ngày 22/9/2009. Điều này có xảy ra ở Séc không?

- Bà Thúy Phượng: Do một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chưa chuẩn xác nên có thời điểm bà con rất lo lắng, sợ “bỗng dưng” bị mất quốc tịch Việt Nam.

Nhưng Phòng Lãnh sự , Ban Công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp tốt với Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, các chi hội Người Việt Nam ở các địa phương, các hội đồng hương, Câu lạc bộ phụ nữ… và sử dụng nhiều diễn đàn để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu đúng vấn đề nên không có chuyện căng thẳng kéo dài trong cộng đồng.

Còn từ khi có thông tin về việc gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm (đến ngày 1/7/2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì tâm lý lo ngại của bà con hoàn toàn được giải tỏa.

Cảm ơn Bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục