Nguy cơ bùng phát xung đột lớn từ các vụ đụng độ ở Jerusalem

Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh mô tả hành động của cảnh sát chống bạo động Israel tại khu đền thờ Al-Aqsa là một "cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào những người đang hành lễ.
Nguy cơ bùng phát xung đột lớn từ các vụ đụng độ ở Jerusalem ảnh 1Lực lượng an ninh Israel được triển khai tại đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters/jpost.com, một năm sau khi các sự kiện ở Jerusalem dẫn đến cuộc chiến ở Dải Gaza, các cuộc đụng độ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mới giữa Israel và Palestine, với việc các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều cảnh báo về khả năng leo thang.

Ít nhất 152 người Palestine đã bị thương khi cảnh sát chống bạo động của Israel tiến vào khu đền thờ Al-Aqsa hôm 15/4 để giải tán những người Palestine. Những người này đã ném pháo và đá vào cảnh sát Israel và vào khu vực cầu nguyện của người Do Thái.

Khu đền thờ Al-Aqsa nằm trên một cao nguyên ở Đông Jerusalem, nơi Israel đã chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sau đó tiến hành sáp nhập vào lãnh thổ nước này. Người Do Thái gọi khu vực này là Núi Đền, khu vực nhạy cảm nhất trong các cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thế hệ.

Khalil Shikaki, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine, cho biết: “Jerusalem có lẽ là vấn đề số một có khả năng gây ra bạo lực trên phạm vi rộng. Chúng tôi đã chứng kiến điều đó trước đây."

Tình hình vốn đã trở nên căng thẳng sau các cuộc tấn công chết chóc của một số người Palestine nhằm vào người Israel và vụ việc quân đội Israel sát hại người Palestine ở Bờ Tây, bầu không khí tại thành phố linh thiêng này càng trở nên căng thẳng cao độ khi tháng Ramadan, Lễ Quá hải và Lễ Phục Sinh đều diễn ra trong tháng Tư.

Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh mô tả hành động của cảnh sát chống bạo động Israel tại khu đền thờ Al-Aqsa là một "cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào những người đang hành lễ trong tháng lễ linh thiêng" và là một điềm báo nguy hiểm.

Tại một cuộc biểu tình ở Gaza, Fawzi Barhoum - phát ngôn viên của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas, lực lượng quản lý Dải Gaza - nói rằng việc Israel sử dụng vũ lực sẽ phải bị đáp trả. Ông nói: "Chúng tôi sẽ vẽ lại giới tuyến để bảo vệ Jerusalem và chúng tôi sẽ khởi động một kỷ nguyên mới; vũ khí phải được đáp trả bằng vũ khí, vũ lực sẽ chỉ có thể đáp trả bằng vũ lực và chúng tôi sẽ bảo vệ Jerusalem bằng tất cả khả năng của mình."

Tháng 5/2021, các chiến binh Palestine đã nã rocket vào Israel sau khi Hamas yêu cầu cảnh sát Israel rút khỏi khu đền thờ Al-Aqsa và vùng lân cận Jerusalem là Sheikh Jarrah, nơi mà việc những cư dân Palestine bị đe dọa trục xuất đã dẫn đến các cuộc biểu tình và đối đầu.

Trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày sau đó, 250 người Palestine ở Dải Gaza và 13 người ở Israel đã thiệt mạng.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết nhà chức trách đang nỗ lực khôi phục sự bình yên ở Jerusalem và trên khắp Israel, nhưng sẵn sàng chiến đấu nếu tình hình xấu đi. Trong một tuyên bố, ông Bennett nói: Chúng tôi đang chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào và lực lượng an ninh đã sẵn sàng cho bất kỳ nhiệm vụ nào."

Làn sóng khủng bố mới

Tuần trước, một người Palestine từ một trại tị nạn ở thị trấn Jenin thuộc Bờ Tây đã bắn chết 3 người Israel và làm bị thương nhiều người khác tại một quán bar ở Tel Aviv. Vụ nổ súng này là vụ mới nhất trong một chuỗi các vụ tấn công của người Palestine tại các thành phố của Israel khiến 14 người thiệt mạng. Thủ tướng Bennett gọi các vụ tấn công này - vốn là những vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ năm 2016 - là "một làn sóng khủng bố mới."

Từ đầu năm đến nay, quân đội Israel đã sát hại 40 người Palestine. Theo Dahlia Scheindlin - một chuyên gia về dư luận và cũng là nhà phân tích chính trị người Israel, vòng xoáy này có thể đã bắt đầu từ đầu tháng 2 khi lực lượng Israel sát hại 3 chiến binh Palestine ở Hebron.

Bộ Ngoại giao Palestine gọi vụ việc đó là "một vụ hành quyết đáng ghê sợ." Bên cạnh những biện pháp mà Israel coi là các biện pháp an ninh, chẳng hạn như sửa chữa các lỗ hổng trên hàng rào ngăn cách nước này với Bờ Tây và tiến hành các vụ bắt giữ hàng loạt, Israel cũng đã nới lỏng tương đối hoạt động di chuyển của người Palestine từ Bờ Tây và Gaza vào Israel và Jerusalem.

[Israel đóng cửa khẩu duy nhất với Dải Gaza vì các vụ bắn rocket]

Ngày 14/4, lặp lại phát biểu của Thủ tướng Bennett, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nói: "Không có hạn chế nào đối với việc sử dụng vũ lực."

Ông nói thêm rằng Israel sẽ cho phép những người Palestine biết "giữ yên tĩnh" được làm việc và kỷ niệm tháng Ramadan mà không bị gián đoạn.

Shikaki cho biết cho đến khi xảy ra các cuộc đụng độ hôm 15/4 tại Al-Aqsa, những biện pháp nới lỏng đó dường như đã giúp xoa dịu một số sự thất vọng của người Palestine. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sự tức giận và bất bình dồn nén đối với sự chiếm đóng quân sự kéo dài 55 năm của Israel ở các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được trong cuộc chiến năm 1967, và nơi người Palestine muốn thành lập nhà nước, vượt qua cả những nhượng bộ hiện tại.

Theo nhóm nhân quyền B’Tselem của Israel, tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, trong năm 2021, tỷ lệ phá dỡ nhà của người Palestine đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.

Itay Epshtain, một nhà tư vấn chính sách và luật nhân đạo, trích dẫn dữ liệu được Bộ Quốc phòng Israel tiết lộ, cho biết trong 5 năm qua, Israel chỉ cấp 33 giấy phép xây dựng cho người Palestine và hơn 16.500 giấy phép xây dựng cho những người định cư Do Thái ở 60% diện tích Bờ Tây mà nước này trực tiếp kiểm soát.

Diana Buttu, cựu cố vấn pháp lý của Tổ chức Giải phóng Palestine, cho biết: “Toàn bộ cấu trúc hiện có của sự chiếm đóng là mang tính bạo lực. Chuyện này đã kéo dài hàng thập kỷ, hàng thập kỷ bạo lực diễn ra hằng ngày, và cuối cùng tiến tới điểm mà Israel sẽ bị 'gậy ông đập lưng ông'."

Ranh giới chiến tranh và hòa bình

Theo trang mạng jpost.com, trong tháng căng thẳng vừa qua, với gần 20 người Palestine thiệt mạng kể từ đầu tháng, Hamas đã kiềm chế không phóng rocket và cố gắng ngăn các phe phái khác ở Dải Gaza làm điều đó. Tuy nhiên, các cuộc đột kích của lực lượng phòng vệ Israel tại các thành phố Jenin, Tulkarem, Nablus và các làng lân cận của Bờ Tây diễn ra rất bạo lực và gây chết người. Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar không thể giữ im lặng khi Jerusalem và Al-Aqsa bùng cháy.

Vào chiều 17/4, một còi báo động tên lửa đến đã được kích hoạt ở Nahal Oz, nằm trên biên giới giáp Dải Gaza. Mặc dù đạn pháo chỉ dừng lại ở trong Dải Gaza và cảnh báo bị hủy bỏ, song sự việc này cho thấy tình hình biến động như thế nào.

Những người dân sinh sống ở biên giới Gaza, chỉ có vài giây để chạy đến nơi trú ẩn, đã phải hứng chịu hầu hết các tên lửa bắn ra từ khu vực do Hamas kiểm soát. Họ đang ở tuyến đầu và không giống như tên lửa tấn công Jerusalem hoặc Tel Aviv, Israel hiếm khi có bất kỳ phản ứng thực sự nào khi họ bị nhắm mục tiêu.

Israel đã tuyên bố rằng họ sẽ đáp trả toàn lực với bất kỳ tình huống bạo lực nào xuất phát từ Dải Gaza nhưng với tình hình bùng nổ như hiện nay, quân đội Israel sẽ phải cân bằng giữa việc đảm bảo an ninh cho thường dân Israel với một cuộc chiến toàn diện khác. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và cho dù lực lượng an ninh Israel làm gì, họ sẽ đều bị bên này hay bên kia đổ lỗi rằng hoặc họ đã hành động quá đáng, hoặc họ chưa làm đủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục