Nguy cơ suy thoái cao

"Nguy cơ các nền kinh tế trở lại suy thoái rất cao"

Theo EIU, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã tồi tệ hơn đáng kể, làm gia tăng nguy cơ một sự sụt giảm sản lượng toàn cầu.
Theo báo cáo mới đây của Bộ phận Phân tích thông tin (EIU) về kinh tế toàn cầu, lòng tin doanh nghiệp và người tiêu dùng đã sụt giảm đáng kể vì những cơn chấn động tại khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) và các dấu hiệu hồi phục kinh tế yếu hơn kỳ vọng tại Mỹ cũng như toàn cầu.

Theo đánh giá của EIU, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã tồi tệ hơn đáng kể, làm gia tăng nguy cơ một sự sụt giảm sản lượng toàn cầu. Tây Ban Nha và Italy đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công tại Eurozone, làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ của đồng tiền chung châu Âu.

Sự phục hồi kinh tế tại Mỹ được đánh giá là yếu hơn kỳ vọng, và cuộc đối đầu chính trị trong nội bộ Mỹ về mức trần nợ của nước này, khiến tình hình thêm u ám. Lòng tin kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng đã giảm mạnh, gây tác động tiêu cực tới chi tiêu trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tư doanh nghiệp, tuyển dụng và sản lượng sản xuất. Điều này có nguy cơ tạo ra một vòng xoáy đi xuống luẩn quẩn mà trong đó lòng tin đầu tư sẽ tiếp tục suy giảm và làm suy yếu thêm việc tuyển dụng và chi tiêu, đẩy các nền kinh tế phát triển trở lại suy thoái.

Bên cạnh đó, theo EIU, giới chức tại các nước phát triển thiếu các công cụ để phản ứng với một cuộc suy thoái mới. Không phải tất cả các chính phủ những quốc gia này có đủ khả năng để thực hiện thêm các biện pháp kích thích tài khóa, đặc biệt là với quy mô đã từng thực hiện trong thời kỳ suy thoái trước đây, bởi vì nợ và tài khóa vốn đã rất yếu.

Khả năng hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng trung ương có thể bị suy yếu do các khó khăn tái phát trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả sự biến động lãi suất trái phiếu chính phủ, khiến gói kích thích tiền tệ khó có thể đạt được hiệu quả thực cao hơn. Trong trường hợp xảy ra một cuộc suy thoái mới, nhiều khả năng các nền kinh tế phát triển sẽ phải đối mặt với một giai đoạn trì trệ kéo dài.

Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi cũng đang chậm lại và sẽ giảm mạnh hơn nếu nhu cầu hàng xuất khẩu tại các nước phát triển không còn. Sự chậm lại này sẽ trầm trọng hơn bởi việc rút lại một lượng vốn lớn do các nhà đầu tư lo ngại mạo hiểm sẽ tập trung vào các tài sản "thiên đường an toàn" như trái phiếu Mỹ.

Không giống như ở các nước phát triển, chính phủ các nước đang phát triển vẫn còn phạm vi hành động lớn hơn để đưa ra các chính sách ngăn chặn suy thoái. Hơn nữa, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc có khả năng duy trì động lực tăng trưởng độc lập là nhu cầu nội địa. Người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi cũng ít nợ nần hơn người tiêu dùng tại các nước phương Tây. Do đó, các nền kinh tế mới nổi sẽ hồi phục nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển và bước chuyển trọng tâm kinh tế toàn cầu về các nền kinh tế đang nổi sẽ tiếp tục.

EIU kết luận rằng, do thiếu phạm vi để thực hiện thêm các biện pháp kích thích tài khóa, các nền kinh tế phát triển có thể sẽ rơi vào một giai đoạn dài giảm phát và đình trệ. Các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm mức tăng trưởng đáng kể do thương mại toàn cầu sụt giảm và niềm tin sụp đổ, nhưng với mức nợ thấp hơn, các nền kinh tế mới nổi sẽ hồi phục nhanh hơn, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi trọng tâm kinh tế toàn cầu từ các nước phát triển sang các nước mới nổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục