Nguy cơ EU chia rẽ trong vấn đề kết nạp thành viên mới

Các Bộ trưởng các nước thành viên EU đã có một có một cuộc thảo luận về tiến triển đàm phán của các nước Tây Balkan. Có những quốc gia hoan nghênh và một số khác bày tỏ lo ngại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tranh luận về các quy tắc gia nhập Khối, sau khi nước Pháp gây sóng gió với yêu cầu trì hoãn đàm phán đối với Albania và Bắc Macedonia.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Amelie de Montchalin, đã tuyên bố ngày 19/11 tại Brussels rằng Paris không bị cô lập khi muốn củng cố các quy tắc của EU trước khi công nhận những ứng cử viên ở khu vực Tây Balkan.

Bà cho biết tương lai hội nhập châu Âu của Tây Balkan không phải là vấn đề, đồng thời khẳng định điều này được chào đón và hỗ trợ.

[Quan hệ Liên minh châu Âu rạn nứt trong vấn đề mở rộng khối]

Bà cho hay nội dung được các Bộ trưởng đưa ra thảo luận hôm nay là những tuyên bố chính trị mang tính nguyên tắc, đã được trình lên Ủy ban châu Âu để xem xét từ nay đến tháng 1/2020.

Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc Họp hội đồng châu Âu, một nhà ngoại giao EU cho biết sự cô lập của Pháp, đặc biệt trong vấn đề Bắc Macedonia xin gia nhập Khối, là rõ ràng.

Nhà ngoại giao ẩn danh trên nói rằng phần lớn các quốc gia thành viên vẫn ủng hộ việc nhanh chóng mở cửa cho các cuộc đàm phán gia nhập Khối của Albania và Bắc Macedonia.

Đặc biệt, các cuộc thảo luận về cải cách thủ tục không nên là lý do để trì hoãn các quyết định hoặc gây ra sự cản trở.

Bộ trưởng Phần Lan Tytti Tuppurainen cho hay ý tưởng của Pháp hiện chưa được xem xét một cách chi tiết.

Trả lời báo chí, bà Tuppurainen nói rằng các Bộ trưởng đã có một có một cuộc thảo luận về tiến triển đàm phán của các nước Tây Balkan, và các quan chức đã nghe qua đề nghị của Paris. Có những quốc gia hoan nghênh và một số khác bày tỏ lo ngại.

Theo bà Tuppurainen, Ủy ban châu Âu mới, dự kiến nhậm chức vào đầu tháng 12/2019, sẽ được yêu cầu đưa ra các đề xuất để cải cách quy trình đăng ký làm thành viên.

Bà Tytti Tuppurainen cho biết thêm rằng các Bộ trưởng đã không đồng ý với đề xuất của phía Pháp. Họ muốn EU đưa ra một cam kết đầy đủ về chính sách mở rộng Khối đối với khu vực.

Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao của Pháp lại khẳng định một bước tiến đã được thực hiện ngày hôm nay theo hướng cải cách tiến trình mở rộng EU.

Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Italy, Vincenzo Amendola, các Bộ trưởng không có bất đồng trong thảo luận các tài liệu, nhưng mục tiêu trọng tâm là phải mở ra các cuộc đàm phán về gia nhập Khối cho Albania và Bắc Macedonia.

Sáu quốc gia đã viết một lá thư cho người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, cam kết sẽ tham gia với tinh thần xây dựng trong nỗ lực cải thiện quá trình này.

Pháp coi đây là một sự mở đầu cho cuộc thảo luận về ý tưởng trên.

Trong khi đó, sáu quốc gia gồm Áo, Cộng hòa Séc, Italy, Ba Lan, Slovakia và Slovenia cũng nói việc củng cố châu Âu không thể hoàn thiện nếu thiếu đi khu vực Tây Balkan.

Họ cũng kêu gọi các thành viên của EU mở ra các cuộc đàm phán gia nhập cho Albania và Bắc Macedonia vào tháng 3/2020.

Cũng trong tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu lên nhiều vấn đề trong khu vực khi tại một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist, ông đã giải thích sự phản đối gay gắt của mình về việc mở rộng EU.

Ông Macron đánh giá Bosnia là một "quả bom hẹn giờ" với nguy cơ bị đe dọa bởi các chiến binh Hồi giáo trở về từ Syria.

Ông cũng nói thêm rằng các thành viên EU khác cũng muốn từ chối trường hợp của Albania.

Tổng thống Pháp nói "hãy hỏi xem họ có thực sự muốn mở cửa cho Albania hay không, một nửa sẽ nói không."

Ông Macron nhấn mạnh rằng không muốn có thêm thành viên mới nào cho đến khi việc cải tổ EU được hoàn tất.

Đề cập trực tiếp đến cuộc phỏng vấn Tổng thống Pháp, Bộ trưởng Vincenzo Amendola của Italy đã nói rõ để trở thành một cường quốc toàn cầu, rõ ràng việc mở rộng và liên kết để tạo ra sức mạnh vượt trội là vấn đề trọng tâm.

Văn bản chính thức của của Pháp đưa ra đề xuất thay đổi đối với thủ tục đăng ký gia nhập, trong đó yêu cầu các nước Balkan phải áp dụng một số quy tắc của EU trước khi có thể được chấp nhận vào các tổ chức của Khối.

Điều này sẽ hỗ trợ nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn về pháp luật và chống tham nhũng, nhưng các thành viên khác lo ngại điều này sẽ tạo ra một tiền lệ với các quốc gia "chân trong chân ngoài."

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker và Chủ tịch của Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, đã phản đối việc trì hoãn các cuộc đàm phán cuối cùng về gia nhập EU của Skopje và Tirana, đồng thời hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng những quốc gia này đã đáp ứng các tiêu chí của EU.

Các ứng cử viên Tây Balkan - bao gồm Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, North Macedonia và Serbia - sẽ gặp các nhà lãnh đạo EU tại một hội nghị thượng đỉnh ở Zagreb vào ngày 6-7/5/2020.

Nhiều người ở Brussels lo ngại rằng việc tiếp tục trì hoãn nguyện vọng gia nhập EU sẽ khiến các nước khu vực Tây Balkan ngả vào vòng ảnh hưởng lớn hơn của Nga hoặc Trung Quốc.

Thậm chí một số còn đối mặt với nguy cơ bất ổn nội bộ về chính trị nếu các nhà lãnh đạo thân EU không thể biến lời hứa về mối quan hệ chặt chẽ hơn thành hiện thực bất chấp việc những nước này đã thực hiện cải cách theo yêu cầu của Brussels.

Đơn cử như trường hợp của Macedonia cũ đã phải đổi tên thành Bắc Macedonia để tránh sự phản đối của Hy Lạp.

Người phát ngôn của Ủy ban EU Mina Andreeva cho biết, Brussels chưa nhận được yêu cầu chính thức nào về việc thay đổi các thủ tục gia nhập EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục