Ngày 18/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hoãn đàm phán Albania và Bắc Macedonia gia nhập khối này.
Quyết định này đã gây phản ứng tại hai nước trên cũng như nhiều nước châu Âu khác và trên thế giới.
Sau cuộc họp cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo EU đã không đạt đồng thuận về việc khởi động đàm phán với hai nước Đông Âu nói trên, do đó đã quyết định hoãn đến năm 2020.
Theo ông Tusk, hai nước trên đã nỗ lực rất nhiều và đã sẵn sàng để bắt đầu đàm phán, đồng thời đa số các nhà lãnh đạo EU cũng muốn bắt đầu đàm phán song họ không đi đến một quyết định đồng thuận. Trong đó, Tổng thống Emmanuel Macron không muốn kết nạp bất cứ thành viên mới nào vào EU cho đến khi khối này hoàn tất cải cách, theo đó cải thiện các thủ tục kết nạp thành viên.
Ông Tusk cho biết EU sẽ trở lại thảo luận vấn đề trên trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa EU và các nước Tây Balkan, dự kiến được tổ chức tại Zagreb vào tháng 5/2020.
Quyết định trên của EU đã gây ra nhiều phản ứng, thậm chí Chủ tịch EC D.Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho đây là một sai lầm của khối này.
Thủ tướng Albania Edi Rama khẳng định nước này đã rất nỗ lực để thúc đẩy đàm phán, do đó Tirana không có lỗi trong quyết định của EU. Thủ tướng Edi Rama cũng nhấn mạnh Albania sẽ tiếp tục cố gắng đáp ứng các điều kiện của EU để gia nhập liên minh, coi đây là trách nhiệm đối với người dân Albania.
[Lãnh đạo châu Âu: Ngăn Bắc Macedonia, Albania gia nhập EU là sai lầm]
Trong khi đó, Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev nhấn mạnh nước này là "nạn nhân của sai lầm lịch sử" của EU, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn (cuối năm 2020) khi mục tiêu chính mà chính phủ ông đặt ra là gia nhập EU đã không đạt được.
Thủ tướng Zaev cũng cho biết ông sẽ gặp Tổng thống và các lãnh đạo khác của nước này để tìm kiếm biện pháp tiếp theo.
Trong khi đó, Tổng thống Bắc Macedonia Stevo Pendarovsky kêu gọi người dân nước này bình tĩnh trước quyết định của EU.
Bắc Macedonia là nước Cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư trước đây, đã đổi tên từ Macedonia thành Bắc Macedonia trong năm nay, theo đó chấm dứt hơn hai thập kỷ tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi và dỡ bỏ được một rào cản đối với việc gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, Albania được cho là cần nỗ lực hơn nữa trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, chống tham nhũng và củng cố pháp luật.
Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã ra tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của EU và ủng hộ nguyện vọng của Albania và Bắc Macedonia, đồng thời hy vọng EU sẽ khởi động đàm phán kết nạp hai nước này vào kỳ hội nghị tháng 5/2020./.