Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại tại một số vùng miền còn khá lớn, nhất là ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ, vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Điển hình như gần đây bệnh sốt rét lại bùng phát trở lại ở tỉnh Đắc Nông và có nguy cơ bùng phát thành dịch sau nhiều năm bị đẩy lùi.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắc Nông đã ghi nhận 420 ca mắc, tăng 80 ca so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lam máu dương tính với ký sinh trùng sốt rét tăng hơn 30% so với các năm trước đây.
Theo Sở Y tế tỉnh Đắc Nông, nguyên nhân là do năm nay thời tiết ở tỉnh này mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, cây cỏ mọc um tùm, tại các khu dân cư cũng như trên nương rẫy, nước mưa ứ đọng nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển.
Trong khi đó, ý thức phòng bệnh của người dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn chưa cao, nhiều gia đình còn sử dụng nước mưa trong sinh hoạt nhưng các dụng cụ đựng nước mưa không được che đậy cẩn thận, để muỗi phát sinh làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng…
Những năm qua, bệnh sốt rét tại Việt Nam đã được khống chế ở tỷ lệ mắc thấp. Năm 2006, số mắc sốt rét là 109/100.000 dân, đến năm 2010 còn 62/100.000 dân (trên 27% dân số trên dân số toàn quốc sống trong vùng sốt rét lưu hành) – giảm 84% so với năm 2000.
Tỷ lệ chết do sốt rét/100.000 dân năm 2010 là 0,02, giảm gần 90% so với năm 2000.
Để phòng, chống bệnh sốt rét, người dân và các cơ quan chức năng cần tiến hành phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh sốt rét; cấp phát test chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét cho các cơ sở y tế, đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản và cán bộ quân y các đồn biên phòng trên tuyến biên giới kiên quyết ngăn ngừa bệnh, không để xảy ra tử vong vì bệnh sốt rét./.