Nguy cơ từ dư thừa chất béo trong tim đối với bệnh nhân tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc chứng suy tim gấp từ 2 đến 5 lần nếu tim của họ chứa lượng chất béo dư thừa cao, làm tổn hại đến khả năng quan trọng của tế bào là sản sinh ra năng lượng.
Nguy cơ từ dư thừa chất béo trong tim đối với bệnh nhân tiểu đường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: hindustantimes.com)

Những người mắc bệnh tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) có nguy cơ mắc chứng suy tim gấp từ 2 đến 5 lần nếu tim của họ chứa lượng chất béo dư thừa cao, làm tổn hại đến khả năng quan trọng của tế bào là sản sinh ra năng lượng.

Theo một nghiên do các nhà khoa học thuộc Đại học Iowa (UI) của Mỹ tiến hành được công bố trên tạp chí Circulation Research số ra mới nhất, sự quá tải lipid (chất béo) trong tim khiến nhiều ty thể - vốn được coi là trung tâm sản sinh năng lượng của tế bào - trở nên nhỏ hơn và khả năng sản sinh năng lượng kém hơn những ty thể bình thường.

Nồng độ chất béo cao trong tim kéo theo những thay đổi đáng kể trong cấu trúc và chức năng của các ty thể. Sự quá tải lipid kéo dài làm tăng nồng độ của các chất gây hại được gọi là các loại oxy hoạt tính (ROS).

Việc dư thừa ROS làm thay đổi hoạt động của một số protein quan trọng có nhiệm vụ kiểm soát kích thước và hình dạng của ty thể, do đó phá vỡ mạng lưới ty thể.

Ngược lại, nếu các ROS trong các tế bào bình thường của tim được loại bỏ, các ty thể sẽ trở nên lớn hơn gấp 4 lần bình thường, qua đó cho thấy mức ROS tỷ lệ nghịch với kích thước ty thể.


[Tiểu đường và béo phì làm gia tăng nhanh số bệnh nhân ung thư]

Nói cách khác, sự quá tải lipid trong tim sẽ phá vỡ cấu trúc ty thể bình thường, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản sinh năng lượng và chức năng tim.

Thông thường, các tế bào tim khỏe mạnh, giống như một động cơ đốt trong, đóng vai trò "xử lý" các phân tử để tạo năng lượng cần thiết đảm bảo duy trì hoạt động bơm máu của tim.

Tuy nhiên, bệnh tiểu đường lại làm giảm khả năng thích ứng chuyển hóa của cơ tim và khiến các tế bào tim lạm dụng quá nhiều chất béo như một nhiên liệu trao đổi chất, khiến ty thể và tim bị tổn hại.

Bệnh tiểu đường đang ngày càng trở nên phổ biến toàn cầu, đặc biệt gia tăng nhanh tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo thống kê năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 422 triệu người trưởng thành trên thế giới mắc căn bệnh này trong năm 2014, tăng gần 4 lần so với mức 108 triệu người năm 1980.

Tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn tới mù lòa, suy thận, các bệnh về tim mạch, gây hoại tử chi dưới.

Chỉ riêng trong năm 2012, ước tính có khoảng 1,5 triệu người đã tử vong do nguyên nhân trực tiếp từ bệnh tiểu đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục