Sắp tới, Việt Nam sẽ bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) theo nguyên tắc giá thị trường giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp nhằm chống gian lận trong chuyển giá. Đây cũng là một trong những nội dung chính được bổ sung, sửa đổi trong Luật Quản lý Thuế tới đây. Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 20/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Cao Anh Tuấn cho biết phương pháp APA đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng khá hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa tuân thủ pháp luật cả ở nước nhận đầu tư và ở nước xuất khẩu vốn. "Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá được dựa trên rất nhiều yếu tố như giá thị trường, chi phí, tỷ suất lợi nhuận,... để người nộp và cơ quan thuế cùng xác định trong vòng từ 3-5 năm. Đây là cơ chế mà nhiều nước đã áp dụng thành công, nhất là đối với các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia," ông Tuấn nhấn mạnh. Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá khi thực hiện mua-bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế, cơ quan thuế Việt Nam (có thể phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam) sẽ giám sát, kiểm soát để chống gian lận chuyển giá. Mặt khác, việc bổ sung cơ chế APA sẽ tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế đồng thời tạo thuận lợi cho công tác thu thuế. Cũng theo ông Tuấn, ở Việt Nam, hiện Tổng cục Thuế đang áp dụng phương pháp mới này đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn như Samsung, Nokia... Sau thời gian thí điểm, sắp tới Tổng cục Thuế-trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật, sẽ triển khai đại trà, nâng cao hiệu quả một bước của việc chống thất thu thuế qua việc chuyển giá./.
Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý Thuế hiện hành sẽ được trình lên kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới xem xét. Nếu đạt được sự nhất trí cáo của các đại biểu Quốc hội thì Luật sẽ được đưa ra xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp cuối năm và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2014. Theo đó, dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 31 điều của Luật Quản lý Thuế hiện hành. Một số nội sung sửa đổi chính bao gồm: - Giảm tần suất kê khai từ 12 lần/năm xuống còn 04 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô nhỏ và vừa; được kê khai thuế giá trị gia tăng 03 tháng/lần, các doanh nghiệp lớn kê khai thuế GTGT 01 tháng/lần. - Rút ngắn thời gian hoàn thuế từ 15 ngày làm việc xuống còn 06 ngày đối với trường hợp "hoàn thuế trước, kiểm sa sau" và từ 60 ngày xuống còn 40 ngày đối với trường hợp "kiểm tra trước, hoàn thuế sau." Bỏ "chứng từ nộp thuế" trong hồ sơ hoàn thuế. - Trong trường hợp nợ thuế, nếu người nộp thuế có bảo lãnh thì trong thời gian được bảo lãnh, người nộp thuế dù chưa nộp thuế vẫn được thông quan, giải phóng hàng hóa và phải trả lãi chậm nộp 0,05%/ngày (18%/năm) trong thời gian bảo lãnh... - Người nộp thuế được nộp dần tiền thuế trong thời hạn 12 tháng, nhưng vẫn phải tính lãi chậm nộp tiền thuế trên cơ sở cam kết của người nộp thuế vào bảo lãnh của ngân hàng thương mại... |
Khánh Chi (Vietnam+)