Nhà văn: Cái đích hướng tới phải là Chân-Thiện-Mỹ!

Khi sáng tạo truyện tranh trên cơ sở khai thác kho tàng truyện cổ tích dân gian, người thực hiện phải tự ý thức mình là nhà sư phạm.
Việc “truyện tranh hóa” các câu chuyện cổ tích, để nhân vật “tái sinh” trong đời sống ngày nay với diện mạo, ngôn ngữ hiện đại như việc dì ghẻ mắng Tấm: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà! Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm,”… đã gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian vừa qua.

Nhiều người tấm tắc khen “sự sáng tạo” của nhóm tác giả vì đã có công đưa cổ tích lại gần hơn với đời thực. Người nghiêm túc hơn thì khẳng định, đây là sự dung tục hóa những giá trị mang tính bền vững và bất diệt.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có cách đánh giá rất riêng. Ông cho rằng: Khi khai thác kho tàng truyện cổ tích để đưa vào truyện tranh, trước hết, người sáng tạo phải tự ý thức mình là một nhà sư phạm.

- Trước hết, xin nhà nghiên cứu cho biết đặc trưng cơ bản của truyện cổ tích là gì?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Truyện cổ tích là một thể loại mang tính thế giới. Nó có căn rễ lịch sử đồng thời có những thi pháp riêng. Cụ thể hơn, đó là những câu chuyện tưởng tượng; được sáng tạo ra để thỏa mãn một phương thức nhận thức thế giới, thỏa mãn trí tưởng tượng thẩm mỹ, tâm lý hiếu kỳ và năng lực khám phá tồn tại khách quan.

Không chỉ có vậy, truyện cổ tích còn nhằm giáo huấn những bài học đạo đức, nhân sinh và làm đẹp lên, tốt lên kho tàng ngôn ngữ nhân loại. Từ đó, nó làm cho tư duy của con người đẹp hơn, tốt hơn.

- Đứng ở góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, ông có ý kiến gì về vấn đề "vẽ lại" truyện cổ tích bằng ngôn ngữ hiện đại?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Những bất cập đó thì bất cứ một người nào có đầu óc lành mạnh đều nhận thấy và đều muốn dẹp bỏ, chứ không cần đến “nhà nghiên cứu” mới phát biểu đến nó. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta vẫn viết và vẫn in. Nguyên nhân là vì đâu? Tất cả cũng chỉ vì lòng tham!

Riêng đối với việc "vẽ lại" truyện cổ tích bằng hình thức ngôn ngữ như vậy thì quan điểm của tôi là: Cần dẹp bỏ ngay lập tức! Bởi lẽ, đây là sự phản giá trị, phản văn hóa. Chúng ta có đủ trí tuệ và đủ thiết chế để dẹp bỏ những điều đó.

-Nhà nghiên cứu có thể nói cụ thể hơn, với việc chuyển thể như vậy, chúng ta sẽ được gì và mất gì?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Đối với những trường hợp bất cập như trên, chúng ta chẳng những không được gì mà còn mất đi nhiều thứ! Một khoản tiền thuế thu được từ xuất bản phẩm cũng không là gì cả so với những điều mất đi.
Bởi lẽ, vấn đề này gắn với sự tồn vong của nhân cách Việt. Nhân cách Việt trong cộng đồng thế giới chẳng rất đang đáng lo ngại hay sao. Mất đi một nhân cách dân tộc, có thể nhiều trăm năm mới làm lại được.

Bên cạnh đó, đây cũng là một hành vi làm bẩn ngôn ngữ, tầm thường hóa ngôn ngữ. Và nếu đã như vậy thì “sáng tạo” để làm gì? Không có lý do nào để ngụy biện cho những bất cập như vậy. Đó là phản tiến hóa, phản giá trị.

-Theo ông, điều đó có phá vỡ đi giấc mơ cổ tích của trẻ nhỏ không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi không nói đến “giấc mơ cổ tích của trẻ nhỏ.” Đó là một khái niệm mù mờ. Đời sống trẻ em đâu chỉ là mơ. Hay ngược lại, người lớn thì cũng có những giấc mơ của mình chứ. Tôi tin rằng, dù đến chín mươi tuổi thì cuộc sống của con người vẫn hoàn toàn có thể đong đầy những giấc mơ cổ tích.

Nếu là trải nghiệm cá nhân thì khi chừng năm tuổi, giấc mơ của tôi là thần tượng Bác Hồ, là giải phóng đất nước, là cơm ăn áo mặc, là tình yêu thương; mặc dù khi đó, tôi chưa được đọc bao nhiêu, được nghe bao nhiêu chuyện cổ tích.

Quay trở lại những bất cập trong một số cuốn truyện tranh chuyển thể truyện cổ tích bằng ngôn ngữ hiện đại, tôi thấy rõ rằng, đây là hệ quả của việc: Vì tiền, người ta đã bấp chấp truyền thống đạo đức, văn hóa và thẩm mỹ để làm những điều dung tục, có tác động xấu trong đời sống xã hội.

- Xin ông nói cụ thể hơn về tác động của việc chuyển thể truyện cổ tích như vậy đối với người đọc, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ trong việc nhận thức nói chung và tiếp nhận kho tàng truyện cổ tích nói riêng?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Xã hội vốn đã nhiều chuyện bất cập rồi, nhưng chưa bao giờ con người lại tắc trách với sự ô nhiễm bầu văn hóa như ngày nay. Lên ôtô buýt, một người khỏe nhường chỗ cho một người yếu thì xung quanh thấy lạ lẫm. Ra đường đụng xe, phản ứng đầu tiên không phải là một lời xin lỗi mà là một tâm lí gây sự, một lời văng tục. Văn hóa vẩn đục thì con người sống trong đó dần dần cũng sẽ đục theo.

Những hành vi “xả thải” ngôn ngữ, mà cụ thể, tôi muốn nói đến những “chế tác” ngôn ngữ kể chuyện cổ tích đó, làm bẩn môi trường văn hóa, tạo nên không khí bẩn để mọi người hít thở thì “ung thư tâm hồn” là hệ quả không thể tránh khỏi.

Ngôn ngữ đâu chỉ để giao tiếp. Nó còn là phương tiện dùng để nghĩ, để sống. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng cái “bình thường” với cái “tầm thường.” Tôi lấy ví dụ thế này: Trong nhà có trẻ nhỏ, người lớn nói chuyện tầm phào với nhau còn phải ý tứ, chú ý câu chữ, huống hồ là đối với văn hóa phẩm bán cho xã hội thì lại càng cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.

-Vậy, nếu muốn chuyển thể thì chúng ta nên làm thế nào để vừa đảm bảo giữ được đặc trưng thể loại vừa đảm bảo gần gũi đối với người đọc hiện đại? Bởi có ý kiến cho rằng: Đưa những ngôn ngữ hiện đại như vậy vào để cho truyện dễ gần hơn với trẻ em hiện đại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Điều nên thứ nhất là: trước khi bắt tay vào “vẽ lại” truyện cổ tích, các tác giả hãy nghiên cứu truyện cổ tích cho kỹ. Bởi lẽ, có hiểu đúng thì chúng ta mới biết cách khai thác đúng; từ đó, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của kho tàng truyện cổ dân gian.

Điều nên thứ hai là người sáng tạo phải có đạo đức hành nghề. Ví dụ, khi ai đó mua phải một bó rau đẫm thuốc sâu thì kêu trách người bán. Vậy tại sao, anh nỡ nào bán ra xã hội thứ sản phẩm chứa ngôn ngữ “bẩn.” Hiện đại không có nghĩa là pha tạp và gần gũi với người đọc không có nghĩa là tầm thường hóa nó.

Bên cạnh đó, người thực hiện việc chuyển thể buộc phải có và phải tu luyện tài năng văn chương một cách bền bỉ, không ngừng tích lũy tri thức và vốn sống. Nói khác đi, các tác giả phải biến việc rèn luyện này phải trở thành ý thức sống.

Ngoài ra, theo tôi, còn một yếu tố vô cùng quan trọng là: Nhà văn nên ý thức mình là nhà sư phạm để gợi mở, hướng người đọc đến Chân-Thiện-Mỹ.

Có như vậy thì chúng ta mới có được những sản phẩm sáng tạo đích thực, chân chính. Một ví dụ rất điển hình là: Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” khi câu chuyện "Kim Vân Kiều truyện" đã lưu truyền mòn mỏi ở phương Đông. Nhưng làm cách nào mà tác phẩm của Nguyễn Du vẫn được liệt vào hàng kiệt tác mang tầm cỡ nhân loại? Đó mới thực sự là bài học đáng học.

-Vậy chúng ta nên khuyến khích trẻ tiếp nhận văn học dân gian theo cách thức nào thì phù hợp?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Có rất nhiều con đường để giúp trẻ em ngày nay tiếp nhận kho tàng văn học dân gian. Chúng ta có thể lồng ghép những sáng tác dân gian ấy vào điện ảnh, vũ đạo, kiến trúc, sân khấu, điêu khắc, âm nhạc hay hội họa,...

Nhìn chung, đối với những tác phẩm thực sự có giá trị thì không có giới hạn nào trong việc tiếp nhận. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, không có giới hạn về phương tiện và cách thức tiếp nhận; nhưng cái đích cuối cùng hướng tới vẫn phải là Chân-Thiện-Mỹ.

- Xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục