Như một thông lệ, món quà đầu Xuân mà báo Nhân dân hằng tháng gửi tặng độc giả gần xa chính là những ấn phẩm đầy ý nghĩa được chọn lọc từ những bài viết, truyện ngắn, chuyên mục... đăng tải trên báo trong suốt cả năm. Món quà cho năm Đinh Dậu này chính là 4 ấn phẩm: "Lửa không màu," (tập truyện ngắn đặc sắc năm 2016); "Đối thoại trong năm,"
"Email lúc 0 giờ," (tác giả Hữu Việt) và "Thấy"(tác giả Lê Thiết Cương).
1. "Đối thoại trong năm" tập hợp “31 cuộc đối thoại, đồng thời là 31 bức chân dung được chọn mặt gửi vàng mà khi gập sách lại, ta đủ hình dung về muôn mặt cuộc đời của một chặng đường, được khuôn trong giới hạn thời gian năm 2016,” như lời mở sách của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Với dung lượng 232 trang, giá bìa 92.000 đồng, sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Những nhân vật mà Nhân Dân hằng tháng lựa chọn đều là những gương mặt tiêu biểu của các thành phần trong xã hội. Không chỉ dựng lên chân dung của từng cá nhân, những bài viết còn cố gắng phác hoạ chân thực về nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống. Nói như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, “tôi gọi những gì thu nhận được từ cuốn sách là những đúc kết quan trọng từ muôn mặt cuộc đời.”
Từ chính khách tới doanh nhân, từ nghệ sỹ đến vận động viên, từ nhà khoa học tới nhà báo… Đặc biệt, Nhân Dân hằng tháng luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc đối thoại cùng các chính khách, từ cấp Nhà nước đến địa phương. “Hoàn toàn không khô cứng một chiều và thụ động, các phóng viên đã vận dụng được tầm hiểu biết của mình để khai thác được nhân vật ở những vấn đề trọng yếu. Để những kiến giải tình huống khéo léo dòi hỏi sự hiểu biết xã hội, chuyên ngành, cách ứng xử thông minh để cuộc phỏng vấn thực sự là những đối thoại, trao đổi nhiều chiều.”
2. "Lửa không màu" - tập sách mỏng chỉ 136 trang, giá bìa 72.000 đồng cũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Gói ghém 11 truyện ngắn của nhiều tác giả tên tuổi (Tống Ngọc Hân, Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Hải Lâm, Trần Nguyễn Anh, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trí, Nguyễn Hồng, Lê Quang Trạng) cùng một chùm 8 truyện ngắn mini của tác giả Nguyễn Bích Lan, "Lửa không màu" đã phản ánh đúng thể trạng sáng tác của tác giả cũng như hiện trạng của xã hội qua cái nhìn của nhà văn. Bởi đây là những sáng tác mới được Nhân Dân hằng tháng đặt hàng.
Nữ sỹ Y Ban, người từng có truyện ngắn in trên Nhân Dân hằng tháng, nhận xét: "Đây là một tờ báo đẹp và sang trọng. Tác giả được chăm sóc tận tình chu đáo, minh họa đẹp, lời bình hay. Hỏi có tác giả nào lại có thể chối từ gửi gắm tác phẩm của mình vào một tờ báo như thế?" Chính vì vậy, cũng theo tác giả "I am đàn bà," “đã từ 5 năm nay, mỗi khi Xuân về, bạn đọc yêu văn chương luôn thấp thỏm chờ đợi các ấn phẩm đặc biệt của Nhân Dân hằng tháng. Trong bối cảnh đời sống văn học mà truyện ngắn không còn là thể tài được các nhà văn lựa chọn như những năm trước đây, việc Nhân Dân hằng tháng vẫn đặt được truyện ngắn hay, của những tác giả tên tuổi thế này đã chứng tỏ sự uy tín và độ tin cậy của một tờ báo."
3. "Email lúc 0h" là tên một chuyên mục hot của Nhân Dân hằng tháng vài năm trở lại đây. Cần mẫn giữ mục với những tản văn cô đọng, súc tích nhưng vẫn ẩn chứa nhiều tầng sâu ngữ nghĩa cùng những thông điệp nhân văn về cuộc đời, về con người, nhà thơ Hữu Việt đã có một vụ mùa bội thu, từ những đêm dài trăn trở ươm mầm, vun xới, chăm sóc.
"Email lúc 0h" cũng góp thêm một gam màu lạ cho hành trang tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ. Với ba tập thơ Phố lạc tiên, Đếm mùa, Thơ bốn người (in chung) và hai tập sách dịch Khúc hát trái tim và Chuyện của Ana.
Với tổng cộng 26 email và 21 tản văn "Viết lúc 0h," bàng bạc suốt tập sách là giọng văn của một trung niên, như cách nhà văn Nguyễn Việt Hà diễn giải. “Hình như trung niên ấy có làm báo nhưng nhất định xuất xứ phải là một nhà thơ. Bởi chỉ có đám thi sỹ mới biết cách nén những trắc ẩn vào sóng sánh tự sự. Những mẩu chuyện đời dung dị, dường như vớ vẩn được nhớ qua một ký ức nồng nàn, lành lạnh. Nó nửa khôn, nửa dại, nửa đúng, nửa sai, Có điều, cao trùm lên hết thảy là một nỗi niềm xót xa nhoi nhói, Viết như thế làm gì mà chẳng trằn trọc thức muộn.” Với dung lượng 229 trang, giá bìa 98.000 đồng, sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
4. "Thấy" là tập sách in riêng đầu tiên của hoạ sỹ Lê Thiết Cương, sau Ba người (in chung cùng hai tác giả Nguyễn Quang Thiều và Trần Tiến Dũng từ năm 2009).
"Thấy" cũng chính là tên chuyên mục mà hoạ sỹ nổi tiếng đã nhiệt tình đồng hành cùng ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng, trong suốt vài năm trở lại đây.
Sách in 4 màu với dung lượng 204 trang, giá bìa 200.000 đồng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm theo phong cách hôi hoạ tối giản, Lê Thiết Cương còn là một cây bút phê bình văn hóa-nghệ thuật cực kỳ sắc sảo, là một cộng tác viên thân thiết của khá nhiều tờ báo có uy tín như Tuổi trẻ, Lao động, Nhân Dân, Thế giới tiếp thị, Tia sáng, Vietnamnet, Nghệ thuật mới… Với hoạ sỹ, “tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện.”
Và “muốn đến được lòng người thì phải đi qua lòng mình trước. Hội hoạ hiện thực là một đại lộ, những đường nhánh và lối rẽ của nó dài rộng đủ cho mọi khám phá, cho mọi gặp gỡ để ai ai cũng có thể khám phá mình, tìm mình."
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tôi đã tìm cách lẩn vào đôi mắt của Cương, để nhìn thấy những gì Cương thấy. Ông nhìn thấy phía sau và bên trong tận đáy những bức ảnh, những bức tranh, những món ăn, lời thưa, chợ hoa Tết, tiếng Việt xưa… Tất cả những thứ ấy đang trôi trong đời sống của chúng ta và chứa đầy trong đó những vẻ đẹp Việt thẳm sâu, thuần khiết… Và "Thấy" của hoạ sỹ Lê Thiết Cương đã làm hiện ra một con đường, cho chúng ta trở về với quá khứ… Cuốn sách này bổ sung vào bộ hồ sơ về cuộc kiếm tìm những vẻ đẹp và bảo vệ những vẻ đẹp ấy của Cương trong suốt mấy chục năm nay”.
Với 4 ấn phẩm hay về nội dung, đẹp về trình bày này Nhân dân hằng tháng tiếp tục khẳng định thương hiệu của riêng mình: Những cuốn sách mang đậm dấu ấn thời sự, chuyên chở nhiều thông điệp văn hóa, cuộc sống gửi tới độc giả và là sự tri ân ý nghĩa đến đội ngũ cộng tác viên của mình. Thể hiện cách làm báo đầy chuyên nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, trị sự của Nhân dân hằng tháng./.