Nhận diện những bất cập của ngành càphê VN

Việt Nam có tiếng là nước xuất khẩu càphê thứ 2 thế giới, nhưng vẫn hoàn toàn bị động trước biến động của thị trường thế giới.
Ảnh hưởng của thời tiết; khủng hoảng kinh tế thế giới làm giá càphê xuống; lãi suất tín dụng tăng cao, đúng thời điểm giá càphê xuống thấp nhất làm những đại lý thu mua càphê bị thua lỗ nặng, mất khả năng thanh toán và vỡ nợ dây chuyền...

Bối cảnh của niên vụ càphê 2009-2010 một lần nữa khiến ngành càphê Việt Nam phải nhìn lại hiệu quả sản xuất và nhìn lại vị trí của một quốc gia có tiếng là nước xuất khẩu càphê đứng thứ 2 thế giới, nhưng vẫn hoàn toàn bị động trước những biến động của thị trường thế giới.

“Vạn người bán, trăm người mua”

Đó là kết luận của ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội càphê - Cacao Việt Nam về thực tế tình trạng sản xuất, kinh doanh càphê xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.

Càphê của Việt Nam xuất khẩu tới 80 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 nước là bạn hàng lớn. Hầu hết sản lượng càphê “xuất ngoại” chưa tiếp cận được trực tiếp với các nhà rang xay càphê thế giới. Trong khi đó, ở trong nước có đến 126 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý thu mua. Đây thực sự là một nghịch lý “vạn người bán, trăm người mua."

Ông Lê Xuân - Cục trưởng Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho rằng, ngành hàng càphê hiện chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu mang tính chuyên nghiệp, dẫn đến Việt Nam là nước có sản lượng càphê Robusta lớn nhất thế giới nhưng việc xuất khẩu hoàn toàn bị động.

Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng tiêu chuẩn cũ (phân loại theo độ ẩm, đen vỡ) trong thu mua, chế biến càphê, thậm chí mua sô, bán sô không theo một tiêu chuẩn nào.

Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu càphê, giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ thông tin, không thống nhất được với nhau về phương thức tiêu thụ và giá cả dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán ngay trên sân nhà. Điều này đã làm xấu đi hình ảnh càphê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong khi đó có tới 95% sản lượng càphê Việt Nam sản xuất ra là để xuất khẩu, còn tiêu dùng nội địa chỉ chiếm 5%. Giá càphê tại thị trường London và New York lên xuống thất thường làm cho các doanh nghiệp bán trừ lùi giao hàng xa chưa chốt giá, lâm vào tình trạng thua lỗ nặng.

Phân tích nguyên nhân của sự lệ thuộc vào thị trường thế giới, ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa đưa ra ví dụ, mỗi năm Brazil sản xuất được 2,5 triệu tấn càphê, trong đó 50% được dùng để chế biến càphê hòa tan. Một phần sản lượng càphê hòa tan này được xuất khẩu, còn phần lớn được tiêu dùng trong nước.

Với hơn 100 triệu dân, bình quân mỗi người tiêu dùng 4,5kg càphê thì lượng tiêu thụ trong nước của Brazil đã khoảng 450.000 tấn/năm, nên họ không bị ảnh hưởng bởi giá quốc tế.

Còn ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay mới chế biến được khoảng 10.000 tấn (khoảng 5% tổng sản lượng) - chẳng “thấm tháp” so với 1 triệu tấn càphê mà người dân sản xuất ra mỗi năm. Thêm vào đó, tiêu dùng nội địa cũng rất thấp, chưa được 0,5kg/người/năm. Vì thế, ngành càphê Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.

Ông Lương Văn Tự cũng cho biết, phần lớn doanh thu 80 tỷ USD của ngành càphê thế giới đều rơi vào tay các nhà chế biến, rang xay trên thế giới. Trong khi các nước sản xuất càphê (trong đó có Việt Nam) lại chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, chừng 11-13 tỷ USD, nên phần lợi thu được chẳng đáng là bao.

Bất cập sản xuất

Xuất khẩu đã tồn tại nhiều vấn đề, việc phát triển càphê cũng còn không ít bất cập chưa được giải quyết. Theo định hướng phát triển càphê được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra từ năm 2006, diện tích càphê ổn định ở 450.000-500.000ha.

Tuy nhiên, trước tình hình giá tăng của mấy năm trước đây, càphê vẫn phát triển nóng, diện tích vượt quy hoạch hàng chục nghìn ha. Diện tích lớn nhưng hiện càphê vối vẫn chiếm tới 93%, diện tích càphê chè - loại càphê có chất lượng và giá trị kinh tế cao - lại rất ít, chỉ có một phần ở các tỉnh phía Bắc và Lâm Đồng.

Bên cạnh đó diện tích càphê già cỗi tăng nhanh song việc tái canh cây càphê đang gặp khó khăn cũng đang là một vấn đề nan giải của ngành càphê. Hiện diện tích càphê trên 15 năm tuổi chiếm gần 50%, trong đó có khoảng 20% diện tích càphê trên 25 năm tuổi trong khi vòng đời cây càphê chỉ 20 năm.

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - thủ phủ của ngành càphê cho biết, năm 2009, tổng diện tích càphê của tỉnh là 180.000ha (vượt so với quy hoạch 30.000ha) với sản lượng khoảng 380.000 tấn.

Trăn trở lớn nhất của tỉnh hiện nay là giá mua của doanh nghiệp chưa có sự khác biệt giữa càphê xanh và chín, trong khi thời tiết những năm gần đây thường diễn biến phức tạp cho nên người dân thường có xu hướng hái càphê xanh cho chắc ăn. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng càphê.

Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cũng lo ngại việc phá vỡ quy hoạch diện tích càphê sẽ ảnh hưởng tới diện tích rừng, cũng như lượng nước trên địa bàn.

“Mặc dù càphê đóng góp tới 40% GDP của tỉnh, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Năng suất càphê đạt 2 tấn/ha mà bán với giá 24 triệu đồng/tấn thì nông dân bị lỗ. Thêm vào đó, hiệu quả kinh tế từ cây càphê cũng không cao bằng những cây trồng khác, nhất là đối với diện tích già cỗi, sâu bệnh. Vì thế, việc rà soát lại quy hoạch diện tích trồng càphê là cực kỳ cần thiết cho việc hoạch định và phát triển ngành càphê” - ông Luyện cho biết.

Bên cạnh đó, ông Luyện cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người trồng càphê, đặc biệt là đưa ra quy trình và xây dựng mô hình tái canh cây càphê, đồng thời kiến nghị Chính phủ có nguồn vốn ưu đãi để người trồng càphê có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn này thì mới đảm bảo tái canh vì mức phí đầu tư tái canh mỗi ha càphê rất lớn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng chương trình phát triển càphê bền vững đến năm 2020; xem xét thành lập Ban điều phối quốc gia ngành hàng càphê; thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ rủi ro của ngành; thực hiện cơ chế hỗ trợ mua tạm trữ càphê chủ động khi thu hoạch tập trung và thị trường tiêu thụ khó khăn để hạn chế rớt giá.

Bộ cũng kiến nghị xem xét đưa càphê vào mặt hàng cần can thiệp về giá thu mua như mặt hàng gạo, để đảm bảo cho người sản xuất có mức lợi nhuận tối thiểu cần thiết khi gặp rủi ro về thị trường.

Bên cạnh đó, ngành càphê cũng cần đề ra chiến lược nâng cao tỷ lệ chế biến trong nước, tăng tiêu thụ trong nước. Có nhu vậy mới chủ động được trong tiêu thụ, đồng thời gia tăng giá trị vì càphê chế biến, càphê hoà tan sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn./.

Phạm Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục