Nhập khẩu dầu mỏ giảm, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2/2018 đạt mức 4,2%/năm, cao hơn so với con số 4,1% được đưa ra vào tháng trước và là mức cao nhất kể từ quý 3/2014.
Nhập khẩu dầu mỏ giảm, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/8, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2/2018 đạt mức 4,2%/năm, cao hơn so với con số 4,1% được đưa ra vào tháng trước và là mức cao nhất kể từ quý 3/2014.

Diễn biến tích cực này là nhờ vào việc các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào phần mềm so với tính toán ban đầu, trong khi nhập khẩu dầu mỏ giảm đi.

So với quý 2/2017, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ở mức 2,9%, cao hơn mức 2,8% được thông báo trước đó.

Sản lượng hàng hóa trong nửa đầu năm 2018 tăng 3,2%, thay vì mức 3,1%, giúp nền kinh tế tiến gần đến mục tiêu tăng trưởng 3%/năm của chính quyền Mỹ.

[Nhiều người Mỹ vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống dù nền kinh tế mạnh]

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng mạnh trong quý 2 này sẽ không kéo dài do có nhân tố lớn tác động như gói giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD thúc đẩy chi tiêu của người dân.

Đặc biệt, xuất khẩu đã tăng mạnh khi các mặt hàng như đậu tương và dầu mỏ của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trước khi các biện pháp đáp trả thuế quan của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng Bảy.

Trước đó, Chính phủ Mỹ ngày 28/8 cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa trong tháng Bảy đã tăng 6,3% lên 72,2 tỷ USD do xuất khẩu thực phẩm giảm 6,7%.

Trong khi chi tiêu của người dân trong đầu quý 3 vẫn ở mức mạnh, thì thị trường nhà ở lại suy yếu khi số lượng nhà ở được xây mới giảm đi so với dự báo trong tháng Bảy, doanh số bán nhà mới và những ngôi nhà đang được sở hữu cũng trên đà đi xuống.

Thay đổi trong luật thuế khiến lợi nhuận của các công ty tăng từ mức 26,7 tỷ USD trong quý 1 lên 72,4 tỷ USD trong quý 2.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết việc điều chỉnh số liệu về chi tiêu của các công ty đã thể hiện xu hướng đầu tư vào phần mềm của các tập đoàn.

Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách đang gia tăng, Nhà Trắng hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ giúp bù đắp phần nào chi phí của việc giảm thuế, song các nhà kinh tế nhận định điều này là khó xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục