Nhật Bản có nên áp dụng chế độ giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày không? Koichi Hamada, Giáo sư danh dự tại Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã tìm câu trả lời cho câu hỏi này trong bài viết đăng trên Project Syndicate.
Bản dịch được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus.
Sau những đợt thời tiết nóng bức gay gắt của mùa Hè năm nay làm ít nhất 110 người chết, một số người ở Nhật Bản ngày càng tỏ ra quan ngại về sự an toàn đối với sức khỏe của các vận động viên tại Thế vận hội mùa Hè 2020 sẽ được tổ chức tại Tokyo vào thời gian cuối tháng Bảy đầu tháng Tám - thời điểm nóng nhất và có độ ẩm cao nhất trong năm tại nước này.
Một trong những người có tâm trạng lo lắng như vậy là Chủ tịch Olympic Tokyo 2020 Yoshiro Mori, và ông đã đề nghị một giải pháp: áp dụng chế độ giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (hay quy ước giờ mùa Hè - DST) để cho các môn đua theo dự kiến sẽ được tổ chức vào thời điểm buổi sáng, như chạy marathon, có thể diễn ra vào những thời điểm mát mẻ hơn.
Liệu Nhật Bản có được hưởng lợi từ một thay đổi như vậy không?
Ở phần lớn các quốc gia phương Tây, DST từ lâu đã được áp dụng như một cách để tiết kiệm năng lượng và kéo dài thời gian làm việc ngoài trời cho người lao động vào những tháng mùa Đông tối tăm cũng như những tháng mùa Hè nóng nực (mặc dù Liên minh châu Âu hiện đang xem xét không sử dụng DST nữa vì cho rằng việc này gây thiệt hại hơn là tiết kiệm, do những tác động lên nhịp sinh học của con người).
Theo kinh nghiệm của tôi, từng sống trong thời gian dài ở New England, lúc đầu tôi coi việc áp dụng DST ở Nhật Bản là một giải pháp tương đối đơn giản - không chỉ cho vấn đề Thế vận hội. Nhật Bản phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ nước ngoài (đặc biệt từ Trung Đông), do vậy nước này rất khuyến khích việc giảm sử dụng năng lượng đến mức tối đa.
Tuy nhiên, đề nghị của ông Mori lại vấp phải sự phản đối đáng kể. Một lập luận tương đối có sức thuyết phục cho rằng do những công nghệ ngày nay, việc điều chỉnh đồng hồ trên thực tế không giúp ích gì nhiều xét về khía cạnh tiết kiệm năng lượng.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, việc điều chỉnh nhanh hay chậm lên 1 giờ trong năm 2008 sẽ tiết kiệm được ước tính 910 triệu lít dầu thô trong một năm. So với tổng số năng lượng được sử dụng ở Nhật Bản - 512.000 triệu lít dầu thô trong năm 2016 - thì đây giống như một giọt nước trong một xô nước.
Nếu DST được áp dụng, nó có thể giúp giảm việc tiêu thụ năng lượng đi chưa đầy 0,2%. Nếu nói đến vấn đề giảm khí thải thì tác động mà nó mang lại, tương tự như vậy, cũng hầu như không đáng kể.
[Nhật Bản kêu gọi đổi thời gian thi đấu môn marathon ở Olympic 2020]
Một điều chắc chắn là đối với một quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, việc tiết kiệm được bất kỳ một lượng năng lượng nào đều là điều có giá trị. Và những kết luận gần đây của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy rằng mối đe dọa từ sự ấm lên toàn cầu, do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giờ đây trở nên bức thiết hơn những gì biết đến trước đây.
Tuy nhiên, do những rắc rối tiềm tàng gắn liền với việc áp dụng chế độ DST, nên hiện không rõ liệu cách thức giảm tiêu thụ năng lượng đặc biệt này có đáng để thực hiện hay không.
Một điều lo ngại đặc biệt lôi kéo nhiều sự chú ý là khả năng DST sẽ dẫn đến việc con người sẽ phải làm việc thêm nhiều thời gian hơn. Nền văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản - mà trọng tâm của nó xoay quanh các kaisha (công ty) rất thành công - được biết đến là mang tính đòi hỏi rất khắt khe, tới mức mà karoshi (chết do làm việc quá sức hay kiệt sức liên quan đến công việc) là hiện tượng không được coi là hiếm.
Những người chỉ trích DST lo ngại rằng nếu Mặt Trời vẫn tiếp tục chiếu sáng khi giờ làm việc đã kết thúc, các nhà quản lý sẽ cảm thấy sức ép phải tiếp tục công việc của mình và điều này làm nhân viên của họ cũng phải chịu sức ép làm điều tương tự.
Người Nhật Bản thường có xu hướng trung thành với truyền thống và đàn ông thường có xu hướng gặp khó khăn trong việc thay đổi thời gian biểu. Tuy nhiên, nếu áp dụng DST ở Nhật Bản, điều này không có nghĩa sẽ phải là được tất cả hay mất hết, và vấn đề này được mà một số nhà lãnh đạo là nữ ở nước này chứng minh.
Hokkaido, hòn đảo ở phía Bắc Nhật Bản, có những ngày mùa Hè đặc biệt dài, và điều này giúp minh họa cho vấn đề điều chỉnh đồng hồ theo mùa. Đây là lý do tại sao, vào năm 2003, Thống đốc Harumi Takahashi cho áp dụng một kế hoạch điều chỉnh thời gian biểu làm việc mang tính thử nghiệm và hoàn toàn mang tính tự nguyện mà nó hoạt động rất giống với DST.
Các văn phòng của chính phủ, cũng như các công ty, có thể lựa chọn cho phép nhân viên của mình tới nơi làm việc và ra về sơm hơn một giờ bình thường trong những tháng mùa Hè.
Một thử nghiệm điều chỉnh thời gian theo mùa thành công khác là chính sách "Cool Biz" (không đeo càvạt và mặc comple vào mùa Hè nhằm tiết kiệm năng lượng ở các công sở do không phải điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa xuống quá thấp) được Thống đốc Tokyo Yuriko Koike áp dụng vào năm 2005, khi bà giữ chức bộ trưởng môi trường.
Những nơi làm việc ở Nhật Bản đã chấp nhận hy sinh một vài vẻ ngoài hình thức lịch lãm của mình - cho phép nhân viên mặc áo cộc tay, không đeo càvạt hay không mặc áo khoác tới nơi làm việc - để giúp văn phòng và các toà nhà bán lẻ giảm đến mức tối đa việc sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Ngoài việc thay đổi nhiệt độ tại các văn phòng làm việc cũng như thay đổi trong cách ăn mặc, Cool Biz còn đưa ra một số lời khuyên khác về tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp - trong đó có việc cho phép nhân viên đi làm việc sớm hơn.
Do điều này, có thể không có gì bất ngờ khi thống đốc Koike có tin đã thừa nhận những lợi ích tiềm tàng của việc áp dụng DST ở Nhật Bản. Tuy nhiên, bà hiện vẫn phân vân về việc có nên để cả đất nước thay đổi đồng hồ mỗi năm hai lần không, đặc biệt nếu động cơ chính của việc làm này lại liên quan đến Olympics Tokyo 2020.
Theo quan điểm của bà, có lẽ sẽ mang tính thuyết phục hơn nếu xem xét những giải pháp linh hoạt hơn, như bắt đầu cuộc thi marathon sớm lên một giờ chẳng hạn.
Cho dù Nhật Bản có áp dụng DST hay không, một thông điệp nổi lên từ cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này là khi thực hiện những thay đổi ở đất nước Nhật Bản có truyền thống chống lại những thay đổi, thì những suy nghĩ sáng tạo của những người phụ nữ Nhật Bản ở cương vị người lãnh đạo thường là điều sẽ quyết định tương lai./.