Nhật Bản phải trấn an Mỹ về mục tiêu nới lỏng tiền tệ

Nhật khẳng định không có ý định làm suy yếu đồng yen với biện pháp nới lỏng tiền tệ từng gây ra những tiếng “la ó” từ phía đối tác.
Nhật Bản ngày 9/3 đã tìm kiếm sự thấu hiểu của Mỹ về các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe theo đó khẳng định Tokyo không có ý định làm suy yếu đồng yen với biện pháp nới lỏng tiền tệ từng gây ra những tiếng “la ó” phản đối từ phía các đối tác thương mại của nước này.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết ông đã đề nghị Washington ủng hộ ứng cử viên Nhật Bản tranh chức Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Cuộc điện đàm giữa ông Aso và ông Lew là cuộc nói chuyện đầu tiên kể từ khi vị cựu Tham mưu trưởng ở Nhà Trắng này nhận chức vụ mới vào cuối tháng 2/3013.

Ông Aso khẳng định Nhật Bản không can dự vào một “cuộc chiến tền tệ,” đồng thời cho biết ông đã giải thích với Bộ trưởng Lew rằng Chính phủ Nhật Bản “chủ yếu nhằm mục đích khắc phục tình trạng suy thoái do giảm phát và sự giảm giá của đồng yen chỉ là diễn biến thứ phát” trước tác động từ các chính sách của Tokyo thời gian qua.

Ông Aso cho biết Bộ trưởng Lew đã bày tỏ sự thấu hiểu của ông trên một số lĩnh vực song không cho biết thêm chi tiết về cuộc điện đàm kéo dài 15 phút này.

Các chính sách của Chính phủ Nhật Bản, được gọi với cái tên Abenomics, bao gồm nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và mục tiêu lạm phát đối với Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), đã bị một số quốc gia chỉ trích là hướng tới tỷ giá hối đoái thấp hơn nhằm thúc đẩy xuất khẩu gây thiệt hại cho nước khác.

Hai bên cũng trao đổi quan điểm về chức danh Chủ tịch ADB khi Nhật Bản đã đề cử nhà ngoại giao tài chính hàng đầu của nước này Takehiko Nakao thay thế vị trí của ông Haruhiko Kuroda.

Bộ trưởng Tài chính Aso cho biết ông Lew “đề cập đến ông Nakao nhưng sẽ không khẳng định liệu Mỹ có ủng hộ cho ứng cử viên này hay không.”

Ông Kuroda, người tiền nhiệm của ông Nakao giữ chức Thứ trưởng tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, tuyên bố sẽ rời khỏi tổ chức cho vay khu vực này vào ngày 18/3 để nhận chức vụ người đứng đầu BOJ. Quốc hội Nhật Bản sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên vào chức vụ thống đốc và hai chức phó thống đốc ngân hàng trung ương vào tuần tới.

Nhật Bản và Mỹ là các cổ đông lớn nhất tại ngân hàng có trụ sở ở Manila này. Quan điểm của Mỹ về ông Nakao có thể sẽ tác động đến quan điểm của các nước thành viên của ADB. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn chưa có gương mặt nào thực sự nổi bật. ADB sẽ tiếp nhận các hồ sơ dự tuyển vị trí này đến ngày 24/3 tới./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục