Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản cho biết nhóm các nhà khoa học đã phát triển những chú gián cyborg có thể được điều khiển từ xa để sử dụng trong các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ đặc biệt khác.
"Cyborg" là thuật ngữ chỉ sự tích hợp giữa máy móc và sinh vật, không chỉ được sử dụng để thay thế các bộ phận cơ thể bị lỗi của một sinh vật mà còn có thể thực hiện các chức năng vượt quá khả năng bình thường của bộ phận đó.
Báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Flexible Electronics cho biết nhóm nghiên cứu đã gắn màng pin Mặt Trời mỏng 4 micromet vào lưng của gián Madagascar - một loài gián có lưng dài khoảng 6cm. Bất chấp các linh kiện điện tử đi kèm, những con gián vẫn có thể di chuyển tự do khi nhóm nghiên cứu xen kẽ các phần kết dính và không kết dính vào các màng pin Mặt Trời để thích ứng với chuyển động tự nhiên của loài côn trùng này.
[Bộ Quốc phòng Israel thử nghiệm xe robot chiến đấu không người lái]
Với nguồn điện do pin Mặt Trời cung cấp và có thể sạc lại để tiếp tục sử dụng, nhóm nghiên cứu có thể điều khiển chuyển động của gián thông qua một môđun điều khiển không dây gắn vào phần thân giữa của chúng bằng cách kích thích xung điện vào cơ quan cảm giác ở cuối bụng.
Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu mới nhất này sẽ đóng góp vào các ứng dụng thực tế đối với côn trùng cyborg, trong đó bao gồm khả năng tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt trong đống đổ nát hoặc thu thập dữ liệu trong các khu vực nguy hiểm.
Ông Kenjiro Fukuda - nhà khoa học cấp cao của Viện nghiên cứu Riken-cho biết: “Do liên lạc không dây tiêu tốn nhiều điện năng, nên chúng tôi muốn cải thiện lượng điện năng được tạo ra bởi pin Mặt Trời trong tương lai”. Theo chuyên gia này, phương pháp gắn các tấm pin Mặt Trời được sử dụng trong nghiên cứu mới nhất cũng có thể được áp dụng cho các loài côn trùng khác./.