Ngày 15/6, Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Oita, miền Nam Nhật Bản, cho biết đã phải tiêu hủy hơn 70 tấn sữa tươi nguyên liệu do trục trặc tại một khâu thu mua nguyên liệu từ trường Đại học Nông nghiệp tỉnh Oita khiến chất tẩy rửa bị trộn lẫn vào sữa.
Thông tin từ trường Đại học Nông nghiệp tỉnh Oita cho biết, ngày 12/6, nhà trường đã vận chuyển 322 kg sữa tươi nguyên liệu đến Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh để phục vụ sản xuất sữa theo kế hoạch cung ứng nguyên liệu.
Tuy nhiên, phía Hiệp hội đã xác nhận hàm lượng sữa trong số này thấp bất thường và yêu cầu phía nhà trường kiểm tra lại.
Sau khi nhà trường tiến hành kiểm tra 220 kg sữa nguyên liệu trong kho đã phát hiện có lẫn một lượng chất Natri Hypoclorit, thành phần chính có trong các nước tẩy rửa công nghiệp.
Qua rà soát lại quy trình thực hiện, nhà trường phát hiện ra rằng, chiều 10/6, thiết bị tự động làm sạch đường ống đã được kích hoạt trùng vào thời điểm vắt sữa, khiến cho khoảng 100 kg chất tẩy rửa công nghiệp bị hòa vào sữa nguyên liệu. Nguyên nhân là do lịch vắt sữa đã được điều chỉnh sớm hơn thông thường, nhưng bộ phận kỹ thuật đã quên không cài đặt lại thời gian làm sạch và khử trùng hệ thống đường ống.
Vấn đề nghiêm trọng chỗ các nhân viên vận hành máy vắt sữa cũng không hề biết về sự cố mà tiếp tục cho phép vận chuyển đến Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh và nhập vào hệ thống thu mua chung, khiến cho hơn 70 tấn sữa nguyên liệu bị buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại cho nhà sản xuất dự kiến lên tới 9 triệu yen (khoảng 57.200 USD).
Tại cuộc họp báo ngày 15/6, Hiệu trưởng trường Nông nghiệp tỉnh Oita, ông Yoshiaki Fujita đã gửi lời xin lỗi chân thành đến nhà sản xuất và người tiêu dùng trong tỉnh vì vụ việc này. Đồng thời cam kết sẽ tăng cường thêm việc giám sát các khâu khai thác và vận chuyển nguyên liệu sữa để đảm bảo không thể tái diễn vụ việc tương tự trong tương lai./.
Mỹ: Diễn biến mới liên quan tới thương hiệu sữa bột trẻ em Abbott
FDA đã mất hơn 15 tháng để giải quyết khiếu nại tố cáo về điều kiện sản xuất tại một nhà máy Abbott Nutrition, tâm điểm của của tình trạng thiếu sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh ở Mỹ vào 2022.