Truyền thông Nhật Bản ngày 18/7 đưa tin chính phủ nước này đang cân nhắc đưa vụ việc lao động thời chiến gây tranh cãi với Hàn Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) khi thời hạn quy định sắp hết mà Seoul vẫn từ chối tham gia hội đồng trọng tài giải quyết vấn đề này theo đề xuất của Tokyo.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu với báo giới, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết 0 giờ ngày 18/7 (theo giờ địa phương, tức 22 giờ theo giờ Việt Nam) là hạn chót để Seoul đưa ra câu trả lời về việc có hay không tham gia hội đồng trọng tài với sự tham gia của một nước thứ 3 như Tokyo đề xuất.
Theo ông Nishimura, hiện Nhật Bản vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Hàn Quốc. Do đó, Tokyo sẽ tiếp tục "hối thúc mạnh mẽ" nước láng giềng chấp nhận đề xuất này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Seoul sẽ không đáp ứng đề nghị của Tokyo.
Đài NHK nhận định nếu thời hạn chót trôi qua, Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để tìm ra cách thức giải quyết vụ việc, đồng thời cân nhắc các biện pháp đối phó, trong đó có khả năng đưa vụ việc ra ICJ.
[Mỹ cam kết sẽ tìm cách làm giảm căng thẳng thương mại Hàn-Nhật]
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ ưu tiên các biện pháp ngoại giao và chưa vội đưa vụ việc ra ICJ vì phiên tòa này cũng khó được tổ chức nếu Hàn Quốc không chấp nhận tham gia.
Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cũng cho biết đang xem xét "các kịch bản khác nhau" để giải quyết tranh cãi đang leo thang với Nhật Bản liên quan đến vấn đề lao động thời chiến.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh phản ứng của nước này sẽ phụ thuộc vào các động thái mà Nhật Bản đưa ra sau thời hạn chót vào nửa đêm 18/7.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng Seoul không bắt buộc phải đáp ứng thời hạn trên.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau một loạt phán quyết của tòa án Hàn Quốc vào cuối năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã lập luận rằng trong thỏa thuận bình thường hoá quan hệ giữa hai nước được ký vào năm 1965, Nhật Bản đã chi trả cho Hàn Quốc khoản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD và các vấn đề đã được giải quyết xong.
Tháng Một vừa qua, Nhật Bản từng đề nghị Hàn Quốc tiến hành đàm phán ngoại giao song phương để giải quyết vấn đề nhưng không thành công.
Sau đó 4 tháng, Tokyo tiếp tục đề nghị Seoul chỉ định thành viên tham gia hội đồng trọng tài theo quy định của Hiệp định về quyền yêu sách Nhật - Hàn năm 1965 nhưng phía Seoul đã tiếp tục bỏ qua yêu cầu này.
Đến ngày 20/6, Nhật Bản một lần nữa yêu cầu Hàn Quốc tham gia hội đồng trọng tài với sự tham gia của một nước thứ 3, đồng thời đặt hạn chót vào ngày 18/7 để Seoul đưa ra câu trả lời.
Ngày 16/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng tuyên bố không chấp nhận đề nghị tham gia hội đồng trọng tài theo đề xuất của Nhật Bản.
Căng thẳng tiếp tục leo thang vào ngày 4/7 khi Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và chip sang thị trường Hàn Quốc.
Seoul đã phản đối mạnh mẽ động thái này của Tokyo, cho rằng nó có thể phá hỏng các nguyên tắc thương mại tự do và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Để giải quyết căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc đã kêu gọi Mỹ tham gia tìm giải pháp dựa trên đối thoại.
Ngày 18/7, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã biểu quyết thông qua nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nghị quyết kêu gọi hai đồng minh châu Á của Mỹ thiết lập mối quan hệ "mang tính xây dựng và hướng tới tương lai" vì lợi ích của Washington.
Văn kiện nêu rõ: "Hạ viện Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng tới tương lai giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vì các lợi ích an ninh, kinh tế và ngoại giao của Mỹ."
Nghị quyết cũng kêu gọi tăng cường và mở rộng mối quan hệ giữa ba nước trong tất cả các lĩnh vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên trong việc đảm bảo thực hiện các lệnh trừng phạt Triều Tiên./.