Mỹ cân nhắc vai trò “thích hợp” xoa dịu căng thẳng thương mại Nhật-Hàn

Theo nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc, giới chức Mỹ cam kết sẽ xem xét liệu họ có thể đóng một “vai trò thích hợp" trong việc xoa dịu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hay không.
Mỹ cân nhắc vai trò “thích hợp” xoa dịu căng thẳng thương mại Nhật-Hàn ảnh 1Người Hàn Quốc biểu tình phản đối Nhật Bản hạn chế xuất khẩu. (Ảnh: Yonhap)

Một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc ngày 15/7 cho biết giới chức Mỹ cam kết sẽ xem xét liệu họ có thể đóng một “vai trò thích hợp" trong việc xoa dịu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hay không, trong bối cảnh Seoul đang tìm kiếm vai trò trung gian hòa giải của Washington để đảo ngược các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây của Tokyo.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cam kết trên được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa các nhà ngoại giao Hàn Quốc và Mỹ tại Washington vào cuối tuần trước.

Nguồn tin giấu tên cho biết phía Mỹ đã chia sẻ quan điểm rằng tình hình không nên xấu đi và nói họ sẽ xem xét một vai trò thích hợp trong việc giải quyết căng thẳng này.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng nói rằng do Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ nên Washington sẽ khó có thể đứng về phía nào.

Đồng thời, các quan chức Mỹ nhấn mạnh xung đột trong lĩnh vực kinh tế sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác an ninh ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

[Hàn Quốc ưu tiên giải pháp ngoại giao cho mâu thuẫn với Nhật Bản]

Hồi tuần trước, một nhóm các quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã tổ chức một loạt cuộc hội đàm với các quan chức từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng như các học giả để thảo luận về việc Nhật Bản thắt chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba vật liệu công nghiệp chính được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị.

Tại các cuộc thảo luận, các quan chức Seoul bày tỏ lo ngại rằng Tokyo có thể thực hiện các bước trả đũa bổ sung vào các ngày 18/7, 21/7 và 24/7 tới.

Trong đó, ngày thứ Năm (18/7 tới) là hạn chót mà Hàn Quốc phải đáp lại lời kêu gọi của Nhật Bản về việc thành lập một hội đồng trọng tài gồm ba nước trung lập.

Ngày 21/7 tới là ngày Nhật Bản tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện, trong khi ngày 24/7 tới là thời điểm Chính phủ Nhật Bản quyết định có đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách 27 quốc gia “đáng tin cậy” được ưu đãi về các thủ tục thương mại hay không.

Các quan chức ở Seoul cũng cảnh báo Washington rằng một quốc gia thứ ba có thể được hưởng lợi từ tranh chấp leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Quốc gia này được ám chỉ là Trung Quốc, đối thủ địa chính trị của Mỹ.

Giới nhà quan sát cho rằng xung đột thương mại Nhật-Hàn có thể làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc và mang lại lợi thế cho Bắc Kinh giữa lúc nước này đang thúc đẩy sáng kiến "Made in China 2025" của họ.

Theo đó, Trung Quốc đặt mục tiêu 70% chất bán dẫn trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại nước này vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục