Nhật, Trung cạnh tranh thị trường đường sắt cao tốc châu Á

Nhật Bản - nước có ưu thế về công nghệ, và Trung Quốc - nước có ưu thế về giá thành, sẽ là hai đối thủ chủ chốt tham gia thị trường đường sắt cao tốc béo bở.
Nhật, Trung cạnh tranh thị trường đường sắt cao tốc châu Á ảnh 1Tàu chạy trên tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới (2.298km) đi qua cầu Yongdinghe ở Bắc Kinh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Asahi của Nhật Bản, châu Á bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, trong đó tuyến đường sắt cao tốc nối Malaysia và Singapore sẽ được tổ chức đấu thầu trong năm 2015.

Nếu tính cả những kế hoạch xây dựng đang được hoạch định (như ở Indonesia, Thái Lan,…) thì tổng chiều dài các tuyến đường sắt cao tốc được xây dựng tại châu Á sẽ lên tới trên 10.000km.

Nhật Bản - nước có ưu thế về công nghệ, và Trung Quốc - nước có ưu thế về giá thành, sẽ là hai đối thủ chủ chốt tham gia thị trường béo bở này.

Tham gia một hội thảo và triển lãm tại Malaysia nhằm khởi động cho đợt đấu thầu tuyến đường sắt nối liền Kuala Lampur (Malaysia) với Singapore, lãnh đạo của tập đoàn đường sắt Đông Nhật Bản nhấn mạnh hệ thống tàu cao tốc của Nhật Bản không chỉ an toàn, mà còn có rất nhiều ưu thế trên cơ sở vận hành chính xác về thời gian. Tập đoàn đường sắt Đông Nhật Bản không giấu tham vọng sẽ thắng thầu để xây dựng tuyến đường sắt này.

Dự định đưa vào khai thác từ năm 2020, tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lampur (Malaysia)-Singapore dự kiến dài 350km, có tổng kinh phí xây dựng lên tới 13 tỷ USD và hành khách chỉ mất 90 phút để di chuyển từ điểm đầu tới điểm cuối hành trình.

Các "cường quốc" về đường sắt cao tốc như Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc cũng rất muốn có được hợp đồng xây dựng tuyến đường kể trên. Trong khi đó, ba doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản là hãng đường sắt Đông Nhật Bản, tập đoàn thương mại Sumitomo và tập đoàn công nghiệp nặng đã liên kết thành một nhóm để chuẩn bị đấu thầu dự án. Những nhân viên tiếp thị hàng đầu của nhóm tập đoàn này đã theo chân Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Ota sang Malaysia để “chào hàng."

Chính quyền Thái Lan cũng đã duyệt kế hoạch xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nội địa. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tích cực thảo luận khả năng khởi công xây dựng một phần trong tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Hà Nội với trung tâm kinh tế phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu xây dựng tuyến đường cao tốc nối khu vực miền Tây Ấn Độ tới trung tâm tài chính Mumbai.

Theo giới chuyên gia Nhật Bản, mặc dù các nước châu Mỹ cũng đang tích cực phát triển đường sắt cao tốc, song các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới thị trường châu Á hơn, với nhận định đây là thị trường khổng lồ, tăng trưởng nhanh nhờ tình hình kinh tế khả quan và dân số đông.

Kể từ sau khi xuất khẩu sang vùng lãnh thổ Đài Loan hệ thống tàu điện cao tốc, được đưa vào khai thác năm 2007, các doanh nghiệp Nhật Bản đã không giành được hợp đồng lớn nào đáng kể. Vì thế, các doanh nghiệp Nhật Bản đang quyết tâm giành được các gói thầu lớn ở châu Á. Ngoài việc cung cấp tàu điện cao tốc, phía Nhật Bản cũng sẵn sàng hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ,…

Một trong những đối thủ nặng ký nhất của Nhật Bản trong thị trường đường sắt cao tốc châu Á là các doanh nghiệp Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc đã thành công khi tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại Thổ Nhĩ Kỳ, vừa hoàn thành vào tháng Bảy vừa qua. Bắc Kinh cũng vừa nêu lên ý tưởng đóng vai trù chủ đạo trong việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài trên 3.000km, nối liền Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), xuyên qua Lào, Thái Lan để tới Singapore.

Bắc Kinh cũng sẵn sàng hỗ trợ tài chính để thực hiện dự án này. Trung Quốc đang thảo luận cho Lào vay 7 tỷ USD. Trong vòng đối thoại chiến lược mới đây với Thái Lan, Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với tuyến đường sắt cao tốc này.

Giá thành xây dựng đường sắt cao tốc của các công ty Trung Quốc chỉ bằng 50% giá thành của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong khi thời gian xây dựng lại ngắn hơn. Chỉ mất 4 năm 6 tháng, người Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Vũ Hán-Quảng Châu dài 1.069km.

Cũng tại cuộc triển lãm ở Malaysia, đại diện tập đoàn đường sắt Vân Nam, Trung Quốc, khẳng định không chỉ chiếm ưu thế về giá thành, tính an toàn của hệ thống đường sắt do công ty này phát triển cũng không hề kém cạnh bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục