Nhiều địa phương tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu Xuân để phòng dịch

Thanh Hóa, Tuyên Quang sẽ tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu Xuân để chung tay phòng, chống dịch COVID-19 trong khi An Giang tạm dừng bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa.
Nhiều địa phương tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu Xuân để phòng dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều địa phương trên cả nước đã tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu Xuân Tân Sửu 2021 để phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 8/2, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết tỉnh sẽ tạm dừng tổ chức các lễ hội đầu Xuân để chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Các địa phương trong tỉnh không tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người cùng một thời điểm trong cùng không gian tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự.

Các địa phương phải tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc quanh khu vực di tích và khu vực thờ tự cũng như tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, hệ thống bảng biển, tờ rơi, loa phát thanh của di tích, để người dân biết về tình hình diễn biến của dịch COVID-19. Việc tạm dừng tổ chức hoạt động lễ hội cũng sẽ được thông báo sớm tới nhân dân.

Ông Hồng nhấn mạnh dịp đầu Xuân năm mới, nhu cầu của người dân đến thực hành tín ngưỡng, tham quan, vui chơi... tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng là rất cao nên chính quyền địa phương cần thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo người dân và du khách thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay bằng chất khử trùng, rút ngắn tối đa thời gian lưu lại di tích, danh thắng, đảm bảo giữ nguyên tắc không tập trung nhiều người cùng một thời điểm tham gia hoạt động dâng hương tại khu vực thờ tự và di tích.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng của địa phương; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; các ban quản lý di tích lịch sử văn hóa; các sư trụ trì, thủ từ tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 tại các di tích, danh thắng trên địa bàn.

Thanh Hóa có khoảng 300 lễ hội lớn nhỏ, chủ yếu là các lễ hội đầu Xuân và hơn 1.500 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 800 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

Trong khi đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã dừng các lễ hội Xuân Tân Sửu 2021 để tránh tập trung đông người, phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình dừng tổ chức lễ hội Lồng Tông (Ngày hội xuống đồng); thành phố Tuyên Quang và huyện Lâm Bình dừng tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa; hoạt động đua thuyền trên sông Lô cũng sẽ không diễn ra...

Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Yên thông báo tạm dừng tổ chức Lễ hội Động Tiên và Chợ quê được tổ chức hằng năm tại Khu di tích danh thắng quốc gia Động Tiên thuộc xã Yên Phú.

Việc tạm dừng các lễ hội cũng là khoảng thời gian cần thiết để các địa phương và ngành văn hóa đánh giá lại việc tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội trong thời gian qua và khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập, loại bỏ những yếu tố không phù hợp trong các lễ hội.

[Dịch COVID-19: Lào Cai dừng lễ hội Xuân, tập trung ngăn dịch xâm nhập]

Tại An Giang, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Phước, tỉnh đã quyết định tạm dừng bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa Tết Tân Sửu 2021 để phòng, chống COVID-19.

Bắn pháo hoa là hoạt động thường niên của tỉnh An Giang trong nhiều năm qua vào đêm Giao thừa, tuy nhiên trước yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh An Giang đã quyết định không tổ chức bắn pháo hoa.

Riêng Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, Xuân Tân Sửu 2021 tại Công trường Trưng Nữ Vương (phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên) vẫn diễn ra nhưng sẽ được tổ chức gọn nhẹ, sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, khách tham dự phải đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp chặt chẽ Công an địa phương, ngành y tế rà soát, lập danh sách, quản lý chặt chẽ tất cả trường hợp học sinh, sinh viên, người lao động... từ các địa phương khác (đặc biệt tại các địa phương đang có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng) về quê nghỉ Tết phải khai báo y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục