“Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định dịp cuối năm," là chủ đề của Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28/12.
Chia sẻ tại tọa đàm, các vị khách mời đều bày tỏ niềm hạnh phúc khi người dân đã có thể an tâm được vui Xuân, đón Tết.
Giám Đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Chúng ta phải thấy hạnh phúc, vì nếu như tháng 7, 8 chỉ ước mơ có Tết an bình, mong người dân vui Xuân, đón Tết, ngành công thương cố gắng sản xuất phân phối cho người dân phục vụ trong kỳ nghỉ lễ truyền thống, thì nay niềm mơ ước đó đang trở thành hiện thực."
Theo ông Vũ, khi mở cửa trở lại, diễn biến các tháng 10, 11, 12 đã có tín hiệu tích cực. Tháng 10 tổng doanh số bán buôn, bán lẻ ở mức 43.000 tỷ đồng, tháng 11 là 55.000 tỷ đồng, tháng 12 dự kiến hơn đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
Ngành công thương làm việc với các tỉnh, các doanh nghiệp chủ lực chuẩn bị nguồn hàng Tết với tổng giá trị hơn 19.000 tỷ đồng, thực hiện chương trình bình ổn giá thu hút 80 doanh nghiệp tham gia.
Thị trường tiêu dùng Tết năm 2022 không sôi động bằng năm 2021, nhưng ở mức gia tăng tương đối trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Để chuẩn bị cho mùa cao điểm như mùa Tết, từ tháng 3 hằng năm, Sở Công Thương thành phố đã xây dựng kế hoạch, liên kết với các tỉnh, thành phố để tạo ra một mạng lưới cung cầu. Hằng năm, Sở tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa các nhà cung ứng, đơn vị sản xuất và nhà phân phối để đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết.
Giám đốc Sở Công Thương Thành phố nhận định sức mua năm nay sẽ không bằng những năm trước, nhưng người dân đặc biệt là công nhân đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc và sẽ ở lại đón Tết nhiều hơn các năm trước do đi lại khó khăn và sự phức tạp của dịch bệnh. Cùng với đó, việc không đi du lịch cũng là một lý do tạo sự gia tăng tiêu dùng tại thành phố. Các hiệp hội, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng Tết đều vào cuộc rất quyết tâm.
[TP.HCM: Doanh nghiệp khởi động mùa kinh doanh hàng Tết 2022]
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho rằng có một giai đoạn hết sức khó khăn, sức mua giảm sâu, doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội mua sắm dịp Tết để đẩy nhanh hơn lượng hàng tung ra thị trường. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung do Ủy ban Nhân dân Thành phố chủ trì, từ 15/11 đến 31/12 và đã ghi nhận tín hiệu tích cực, có khoảng 1.700 doanh nghiệp tham gia, với hơn 7.000 chương trình khuyến mãi. Thông qua các chương trình này cho thấy sức mua của thị trường gia tăng, doanh nghiệp bán được hàng với lượng lớn và người tiêu dùng có thể mua những sản phẩm vừa với túi tiền của mình. Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phục vụ mùa cao điểm dịp Tết.
Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, điều hạnh phúc nhất hiện nay là các doanh nghiệp đang tích cực, sôi động chuẩn bị nguồn hàng hóa để đưa ra thị trường.
“Đây là niềm hạnh phúc lớn lao vì qua suốt quá trình chống dịch, mình không bao giờ nghĩ rằng dịp Tết năm nay được cùng toàn dân, cùng các doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm thiết yếu, nhất là với ngành lương thực, thực phẩm," bà Chi chia sẻ.
Thông tin không khí chuẩn bị Tết đang được doanh nghiệp tiến hành rất tốt, đầy khí thế, song bà Chi cũng cho biết sức tiêu thụ sẽ có phần nào hạn chế, nhưng các doanh nghiệp vẫn sản xuất, dự trữ trong tâm thế chuẩn bị cho cung ứng thị trường dịp Tết 2022.
Bà Lý Kim Chi cho biết các doanh nghiệp chế biến thực phẩm hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào nguồn từ trong nước và nhập khẩu nước ngoài đều tăng 20-40%. Chi phí sản xuất tăng gấp đôi thời điểm sản xuất “3 tại chỗ," nhưng các doanh nghiệp thành viên Hội lương thực, thực phẩm vẫn đăng ký cam kết với Sở Công Thương cung ứng đủ hàng, không tăng giá vào dịp Tết.
“Với tư cách cầu nối với các doanh nghiệp thực phẩm, tôi xúc động với tấm lòng các doanh nghiệp đã đồng lòng chia sẻ cho an sinh của người dân Thành phố. Tôi biết tường tận nhiều doanh nghiệp từ trong dịch đến giờ đưa sản phẩm ra hòa vốn, thậm chí lỗ, nhưng doanh nghiệp vẫn kiên quyết bảo đảm đủ lượng hàng hóa, giữ giá bình ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đó là tấm lòng của doanh nghiệp. Để chia sẻ khó khăn đó, doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ, Thành phố có chương trình hỗ trợ, tạo động lực giúp cho doanh nghiệp đi tới trong giai đoạn kế tiếp," theo bà Lý Kim Chi.
Khẳng định đủ hàng cung ứng cho người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan Phan Văn Dũng cam kết dịp trước, trong và sau Tết sẽ bình ổn giá thị trường, bảo đảm cung ứng nguồn hàng đầy đủ đến tay người tiêu dùng.
Từ phía Sài Gòn Co.op, Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Đức cho hay đã có sự chuẩn bị mang tính chất dài hơi. Lượng hàng hóa chuẩn bị trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu cho người dân có một cái Tết đủ đầy./.