Nhiều đồng thuận trong nước và quốc tế coi thuốc lá làm nóng là thuốc lá

Trên cơ sở các văn bản pháp lý được áp dụng từ 2012 đến nay, nhiều bộ ngành khẳng định thuốc lá làm nóng là 1 sản phẩm thuốc lá nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

"Mổ xẻ" một điếu thuốc lá làm nóng.
"Mổ xẻ" một điếu thuốc lá làm nóng.

Các vấn đề về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã và đang nhận được sự quan tâm của tất cả các cấp, từ các bộ ngành đến Chính phủ và Quốc hội.

Theo Điều 19, Nghị định 106/2017, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ và cơ quan ngang bộ xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm này trên cơ sở hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.

Nhiều năm qua, các bộ ngành đã có những quan điểm khác nhau nhằm hướng đến mục tiêu chung là hài hòa lợi ích các bên và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, để có hướng quản lý sản phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang được các bên phân tích để đánh giá sự tương quan của luật đối với từng loại sản phẩm, cụ thể là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Trong nước: “Nguyên liệu thuốc lá” là căn cứ để định danh một sản phẩm thuốc lá

Theo Điều 2.1 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.” Điều 2.3 bổ sung: “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.”

Như vậy, Luật quy định chỉ xét đến thành phần nguyên liệu của sản phẩm để xác định là “thuốc lá,” không xét đến quy trình sản xuất hay cách sử dụng của từng loại sản phẩm khác nhau như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào… và các dạng khác, chẳng hạn như thuốc lá làm nóng hiện nay. Trong quá trình thực thi Luật này thời gian qua cũng không có thêm văn bản bổ sung nào quy định về nội dung này, thể hiện tính nhất quán trong diễn giải và thi hành.

Trên cơ sở các văn bản pháp lý hiện hữu được áp dụng từ 2012 đến nay, nhiều bộ ngành khẳng định thuốc lá làm nóng là một sản phẩm thuốc lá. Như vậy, thuốc lá làm nóng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tương tự như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào... Thay vì sử dụng bật lửa để đốt cháy trực tiếp như thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng sử dụng thiết bị làm nóng nguyên liệu thuốc lá, tạo ra nicotine.

Phát biểu trong một hội thảo về thuốc lá mới năm 2023, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, cho biết "Đối với thuốc lá làm nóng, chúng tôi khẳng định đó là sản phẩm thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá."

Quốc tế: WHO khuyến nghị quản lý thuốc lá làm nóng theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia

Trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC), “nguyên liệu thuốc lá” cũng được dùng làm cơ sở để định danh một sản phẩm là thuốc lá. Theo đó, Điều 1 khoản (f) của FCTC ghi: “Các sản phẩm thuốc lá có nghĩa là các sản phẩm được hoàn toàn hoặc phần nào tạo ra từ vật liệu lá thuốc được sản xuất để dùng cho việc hút, mút, nhai hoặc hít.” FCTC cũng không dựa trên cơ chế hoạt động của thuốc lá làm nóng (dùng thiết bị điện tử thay vì bật lửa) để loại sản phẩm này ra khỏi khuôn khổ luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu.

Trong Hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” tổ chức ngày 19/3 vừa qua, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế-Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cho biết kể từ hội nghị COP8 năm 2018 của WHO, FCTC đã xác định thuốc lá làm nóng là một loại thuốc lá.

Ông Nhân khẳng định WHO không cấm và khuyến nghị các chính phủ quản lý theo luật quốc gia cũng như theo các quy định của FCTC. WHO cũng tái xác nhận tính hiệu lực của khuyến nghị này tại COP10 tháng Hai vừa qua.

Mới đây, tại buổi họp báo cáo công tác quản lý nhà nước ngày 27/3 vừa qua, đối với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cần có căn cứ vững chắc mới có thể cấm thuốc lá thế hệ mới và phải xem xét kỹ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có áp dụng được cho thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng hay không.

Một số nhà quản lý từng khẳng định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thiết lập để bao trùm các sản phẩm thuốc lá trong tương lai. Tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 24/11/2022, ông Lê Đại Hải đã khẳng định tính tiên liệu của luật cho việc quản lý lâu dài.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, cũng là người cùng tham gia thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, nhận định: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 đã định nghĩa rõ về thuốc lá và sản phẩm liên quan, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Bà cũng cho rằng luật hiện hành đã đủ điều kiện để quản lý các sản phẩm thuốc lá mới phát sinh, chỉ cần mạnh dạn áp dụng Luật để kiểm soát.

Tính đến tháng 7/2021, 184/195 quốc gia thành viên WHO đã áp dụng chính sách quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục