Nhiều ngân hàng thương mại thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao

Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi nhân sự là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép chỉ tiêu kinh doanh.
Nhiều ngân hàng thương mại thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao ảnh 1Ông Nguyễn Hoàng Hải làm Quyền Tổng Giám đốc Eximbank. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây một số ngân hàng đã có sự thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao, trong đó phải kể đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank)…

Kể từ hôm nay (3/10), ông Nguyễn Hoàng Hải được Hội đồng quản trị Eximbank bổ nhiệm là quyền Tổng Giám đốc ngân hàng này.

Ông Hải có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh quốc tế tại Đại học Tổng hợp Radboud (Hà Lan). Ông Hải có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

[Nhân sự ‘ghế nóng’ tại nhiều ngân hàng biến động trong tháng 6]

Ông Hải gia nhập Eximbank từ ngày 2/8 với vai trò Phó tổng giám đốc thường trực. Ông Hải từng là thành viên Hội đồng đầu tư ABBank, Phó Tổng giám đốc ABBank Asset Management, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance).

Trước đó, Hội đồng quản trị Eximbank đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc theo nguyện vọng cá nhân và miễn nhiệm chức Phó tổng giám đốc đối với ông Phạm Quang Dũng, kể từ ngày 2/10. Rời ban điều hành, ông Lộc và ông Dũng tiếp tục làm việc tại Eximbank với vai trò thành viên Hội đồng quản trị.

Sau các quyết định trên, Ban Tổng Giám đốc của Eximbank có 5 thành viên, gồm quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải và 4 Phó tổng giám đốc là ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu EIB của Eximbank chốt phiên ngày 3/10 ở mức 17.700 đồng/cổ phiếu, giảm từ mức 25.000 đồng/cổ phiếu sau khi nhà băng này phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023. 

Nhiều ngân hàng thương mại thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao ảnh 2Ông Nguyễn Phi Hùng xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị PGBank. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, ngày 2/10, PGBank cũng công bố thông tin bất thường về việc Chủ tịch Hội đồng quản trị xin từ nhiệm.

Theo đó, Hội đồng quản trị PGBank đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và rút khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Phi Hùng vì lý do cá nhân. Ông Hùng xin từ nhiệm chỉ sau 3 tháng nhận chức Chủ tịch.

Ngày 14/9, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Tiến Dũng cũng xin từ nhiệm chức vụ và rút khỏi Hội đồng quản trị vì lý do cá nhân. Bên cạnh đó, 2 thành viên Hội đồng quản trị người nước ngoài là ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Ratilal Banglorewala (thành viên Hội đồng quản trị độc lập) cũng đã có đơn xin từ nhiệm khỏi Hội đồng quản trị hồi tháng 8.

Mới đây, Hội đồng quản trị ABBANK đã giao ông Phạm Duy Hiếu - thành viên Ủy ban nhân sự làm Phó Tổng Giám đốc và giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc tại ABBANK thay bà Lê Thị Bích Phượng có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Phạm Duy Hiếu sinh năm 1978, tốt nghiệp thạc sỹ tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng - Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang đảm nhiệm vai trò thành viên Ủy ban Nhân sự, tập trung cho công tác đào tạo cán bộ quản lý và hỗ trợ triển khai “Hành trình văn hoá” của ABBANK.

Nhiều ngân hàng thương mại thay đổi nhân sự ở vị trí cấp cao ảnh 3Ông Phạm Duy Hiếu được giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc tại ABBANK. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đây, ông Hiếu cũng đã từng được Hội đồng quản trị ABBANK giao tham gia điều hành ngân hàng ở vị trí Phó Tổng giám đốc, Tổng Giám đốc, dẫn dắt ABBANK hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do Hội đồng quản trị giao.

Hội đồng quản trị ABBANK tin tưởng ông Hiếu trở lại vị trí điều hành sẽ cùng tập thể ban điều hành, các đơn vị chức năng hợp lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát tốt nợ xấu, nỗ lực hướng đến các mục tiêu chiến lược đã được Hội đồng quản trị giao; tạo chuyển biến tích cực trong việc tăng cường củng cố hệ thống và tạo tiền đề thực hiện các bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Nhìn nhận về làn sóng thay đổi “ghế nóng” tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm. Dự báo trong thời gian tới, làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục biến động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục