Nhiều chỉ tiêu kinh doanh tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty vượt kế hoạch

 Tổng doanh thu của công ty mẹ thuộc 19 Tập đoàn và Tổng công ty từ đầu năm đến nay ước đạt 971.593 tỷ đồng, đạt 83% so với kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng của năm nay, lĩnh vực sản xuất điện đạt 232,9 tỷ kWh, hoàn thành 75% kế hoạch năm, với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Trong 9 tháng của năm nay, lĩnh vực sản xuất điện đạt 232,9 tỷ kWh, hoàn thành 75% kế hoạch năm, với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo công bố mới nhất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã ghi nhận nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng vượt kế hoạch.

Cụ thể, tổng doanh thu của công ty mẹ thuộc 19 Tập đoàn và Tổng công ty từ đầu năm đến nay ước đạt 971.593 tỷ đồng, đạt 83% so với kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của các đơn vị này ước tính là 50.360 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 20%.

Đặc biệt, giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 62.904 tỷ đồng, tương đương 100% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất ước đạt hơn 1.538.000 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 857 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Trong 9 tháng của năm nay, lĩnh vực sản xuất điện đạt 232,9 tỷ kWh, hoàn thành 75% kế hoạch năm, với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. Điện thương phẩm cũng tăng 11%, đạt 209,2 tỷ kWh. Ngoài ra, sản lượng điện truyền tải cũng đạt 186,56 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực dầu khí, sản lượng dầu thô đạt 7,45 triệu tấn, tương đương 90% kế hoạch năm và thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác khí tự nhiên ước đạt 4,8 tỷ m3, bằng 94% kế hoạch nhưng giảm 17% so với năm 2023. Trong khi đó, sản lượng xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đạt 4,9 triệu tấn, hoàn thành 84% kế hoạch năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận sản lượng xăng dầu đạt 11,518 triệu m3, tấn, hoàn thành 88% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ.

Trong ngành than, tổng sản lượng than nguyên khai đạt 27,69 triệu tấn, tương đương 71% kế hoạch và bằng 97% so với cùng kỳ. Than thành phẩm đạt 37,4 triệu tấn, hoàn thành 72% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ. Tổng lượng tiêu thụ than ước đạt 34,365 triệu tấn. Lĩnh vực vận tải hàng không ghi nhận nhiều chỉ số tích cực.

ttxvn_san bay noi bai 1.jpg
Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra giấy tờ hành khách trước khi vào khu vực soi chiếu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tổng sản lượng hành khách qua các cảng hàng không đạt 83,52 triệu khách, tương đương 96% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vận chuyển 17,2 triệu khách, tăng 9%. Về vận chuyển hàng hóa, Vietnam Airlines đạt 225.300 tấn, vượt 42% so với cùng kỳ.

Ngành đường sắt cũng có kết quả khả quan với 5,42 triệu lượt hành khách, đạt 88% kế hoạch và tăng 20% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 3,4 triệu tấn, bằng 70% kế hoạch năm.

Ngành vận tải biển đạt sản lượng vận tải 13,5 triệu tấn, hoàn thành 85% kế hoạch và sản lượng hàng thông qua cảng đạt 109,39 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Một lĩnh vực khác như thuốc lá, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng có những kết quả tích cực. Ngành sản xuất và tiêu thụ thuốc lá tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản lượng ước đạt 3.590 triệu bao, tương đương 83% kế hoạch năm.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, trồng rừng mới đạt 2.428ha, hoàn thành 83% kế hoạch, trong khi khai thác gỗ đạt 2.327ha, tăng 63% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng gạo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) đạt 1,44 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ, còn Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) đạt 912.606 tấn, giảm 26%.

Nhìn chung, các tập đoàn và tổng công ty lớn thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có những bước tiến vững chắc, nhiều chỉ tiêu kinh doanh đạt và vượt kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định vĩ mô. Các chỉ đạo của Ủy ban tập trung vào khắc phục những hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai đầu tư trọng điểm theo 3 đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng chú trọng vào việc làm mới các động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tri thức. Cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với ba nội dung chính gồm tái cấu trúc về quản trị, tài chính và ngành nghề.

Ủy ban cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho người lao động. Tất cả các hành động đều hướng đến lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững của các tập đoàn, tổng công ty./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục