Ngày 16/7, tại thành phố Quy Nhơn, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tổ chức khai mạc Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 8 (VSON8) với sự tham dự của 32 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Anh và Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, Trường học Việt Nam về Neutrinos hội tụ nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực Vật lý Neutrino.
Trong đó có Giáo sư Yuichi Oyama, Viện KEK, Nhật Bản; Giáo sư Atsumu Suzuki, Đại học Kobe, Nhật Bản; Giáo sư Makoto Miura, ICRR, Đại học Tokyo, Nhật Bản; Giáo sư Jennifer Thomas, Đại học College London, Anh; Giáo sư Sanjib Kumar Agarwalla, Viện Vật lý (IOP), Bhubaneswar, Ấn Độ; Giáo sư Junting Huang, Đại học Shanghai Jiao Tong, Trung Quốc; Giáo sư Tsuyoshi Nakaya, Đại học Tokyo, Nhật Bản…
Từ ngày 16-26/7, học viên tham dự sẽ được cung cấp các kiến thức về Vật lý hạt và Vật lý Neutrino; các nguyên lý cơ bản và kĩ thuật hiện đại để phát hiện ra chúng; các dự án Neutrino đang và sẽ xây dựng cũng như các phát kiến khoa học có thể đạt được với các thí nghiệm này.
Ngoài ra, học viên còn được học các kĩ năng cụ thể như chạy mô phỏng các tương tác Neutrino; phân loại tương tác thông qua hình ảnh thu được từ máy dò Super-Kamiokande (một thí nghiệm đã đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel vật lý năm 2015); trực tiếp vận hành, quan sát và đo đạc với một hệ đo các tia vũ trụ đơn giản do nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) thiết kế.
Tại buổi khai mạc, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE cho biết: Vật lý Neutrino đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng có nhiều phát kiến mới trong chương trình nghiên cứu Vật lý hạt cơ bản của thế giới.
Tuy nhiên, nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý Neutrino chưa phải là một phần cơ bản của chương trình đào tạo sau đại học của bất kỳ một đơn vị đào tạo nào tại Việt Nam.
Mục tiêu chính của Trường học Việt Nam về Neutrinos do Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE sáng lập nhằm cung cấp cho học viên một nền tảng vững chắc về Neutrino để phát triển các nhà nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trường học Việt Nam về Neutrinos được tổ chức lần đầu năm 2017 cùng với sự giúp đỡ từ các chuyên gia Vật lý Neutrino hàng đầu đến từ Nhật Bản, đã cho thấy chất lượng rất cao khi thu hút các học viên đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Với nền tảng kiến thức về Neutrino của các lớp học trước đây, nhiều học viên Việt Nam và quốc tế đã có điều kiện tiếp tục theo học con đường nghiên cứu, đã có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Neutrino và có những đóng góp cụ thể cho cộng đồng khoa học quốc tế.
Trường học Việt Nam về Neutrinos trang bị những kiến thức bổ ích, thú vị liên quan đến ngành khoa học có vai trò trọng tâm trong vật lý đương đại, cũng như mang đến cho học viên trải nghiệm hoàn toàn mới và điều này sẽ giúp ích cho các học viên trên con đường phát triển bản thân, học thuật, nghiên cứu về sau.
Cũng trong sáng 16/7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, 34 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khai mạc Trường học Vật lý Việt Nam lần thứ 30 (VSOP30). VSOP30 quy tụ nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.
Với mục đích kết nối, định hướng học viên đam mê lĩnh vực Vật lý; cung cấp chuỗi bài giảng về vật lý hạt cơ bản và vật chất tối lý thuyết và thực nghiệm. Đặc biệt, học viên có cơ hội tiếp cận với các chủ đề nghiên cứu đang được các giảng viên thực hiện.
Các bài giảng có kết nối kiến thức cơ bản ở trình độ đại học lên trình độ nâng cao... Dự kiến, Trường học Vật lý Việt Nam lần thứ 30 sẽ kết thúc vào ngày 26/7./.
Các nhà khoa học thế giới thảo luận về vật lý, vũ trụ học tại Quy Nhơn
Hội nghị quốc tế "PASCOS-hạt, dây và vũ trụ học” gồm 14 phiên toàn thể và 3 phiên song song trình bày về Vật lý neutrino; vật chất tối và năng lượng tối; Vật lý với máy gia tốc lớn LHC...