Nhiều nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga

Sau khi hàng loạt công ty nước ngoài rút khỏi các dự án dầu khí tại Nga, các quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt từ Moskva.
Nhiều nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga ảnh 1Các tàu Pipelay của Saipem là Castorone và Castro Sei lắp đặt đường ống dẫn khí ngoài khơi biển Baltic. (Nguồn: GAZ-SYSTEM)

Lo ngại nguồn cung dầu khí từ Nga bị gián đoạn liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhiều nước đang chủ động tìm kiếm giải pháp thay thế và hạn chế sự phụ thuộc vào Moskva.

Công ty dầu khí quốc gia của Đan Mạch Energinet thông báo dự án xây dựng đường ống dẫn khí dưới biển giữa Na Uy và Ba Lan được nối lại sau một thời gian tạm dừng do những vấn đề về môi trường.

Energinet cho biết công ty đã nhận được cấp phép về môi trường trong dự án xây dựng đường ống dẫn khí chạy qua Biển Baltic, theo đó công tác xây dựng sẽ tiếp tục được triển khai để đảm bảo tiến độ đưa đường ống này vào hoạt động một phần từ tháng 10 tới trước khi vận hành toàn bộ từ 1/1/2023.

Ba Lan trước đó đã thông báo sẽ không gia hạn hợp đồng mua khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga, dự kiến hết hạn vào năm 2022. Hiện, Gazprom cung cấp 70% nhu cầu khí đốt của Ba Lan.

Tuần trước, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, Đức cũng đã đình chỉ đưa vào vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga mặc dù công trình đã hoàn thành.

[Nhiều doanh nghiệp rút khỏi Nga sau xung đột ở Đông Ukraine]

Cùng ngày, tập đoàn dầu khí Eni của Italy thông báo rút khỏi dự án xây dựng đường ống dẫn khí Blue Stream nối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen.

Eni hiện nắm giữ 50% cổ phần dự án và một người phát ngôn của Eni thông báo công ty có ý định bán số cổ phần này.

Động thái của Eni được đưa ra sau khi hãng dầu khí BP và Shell của Anh cũng đã rút khỏi các dự án liên quan đến Nga.

Cùng ngày, tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil thông báo sẽ từng bước rút khỏi dự án Sakhalin-1.

Đây là một trong những dự án lớn nhất tại Liên bang Nga với 100% vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và là một hình mẫu về ứng dụng các giải pháp công nghệ tiến tiến, phục vụ cho ngành dầu khí nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng năng lượng.

Liên danh thuộc dự án Sakhalin-1 hiện có các công ty con của Tập đoàn Rosneft chiếm 20% cổ phần, Công ty dầu khí Nhật Bản Sodeco 30%, Công ty nhà nước Ấn độ ONGC  20%, Công ty Exxon-Neftegaz (công ty con của Exxon-Mobil) 30% và là nhà điều hành dự án Sakhalin-1.

ExxonMobil nhấn mạnh công ty sẽ không đầu tư bất cứ dự án mới nào tại Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục