Bruegel: EU cần chuẩn bị cho kịch bản mất nguồn cung khí đốt từ Nga

Theo Bruegel, nếu nguồn nhập khẩu từ Nga bị ngừng, châu Âu sẽ cần phải giảm nhu cầu khí đốt ít nhất 400 terawatt giờ, hoặc khoảng 10-15% nhu cầu hàng năm.
Bruegel: EU cần chuẩn bị cho kịch bản mất nguồn cung khí đốt từ Nga ảnh 1Một trạm xăng ở Montpellier, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một báo cáo mới đây của tổ chức tư vấn độc lập Bruegel cho hay trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt liên quan tới tình hình Ukraine, khu vực này vẫn có thể vượt qua được mùa Đông tới.

Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, Bỉ này cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải chuẩn bị cho kịch bản nguồn khí đốt từ Nga xuất sang khối này bị cắt đứt hoàn toàn.

Châu Âu đã nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cao kỷ lục từ các nước như Mỹ trong những tháng gần đây. Điều này giúp khu vực có thể trải qua qua mùa Hè không bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, ngay cả khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt hoặc nếu cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hỏng vì các hành động quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, Bruegel cho biết khối này cần bắt đầu suy nghĩ về cách bổ sung kho dự trữ năng lượng của mình từ bây giờ.

[Loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, phương Tây cũng bị tổn thương]

Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, con số này là khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga.

Theo Bruegel, nếu nguồn nhập khẩu từ Nga bị ngừng, châu Âu sẽ cần phải giảm nhu cầu khí đốt ít nhất 400 terawatt giờ, hoặc khoảng 10-15% nhu cầu hàng năm. Tổ chức tư vấn cho biết điều này là khả thi, nhưng sẽ đi cùng các yêu cầu về thay đổi chính sách.

Một số lựa chọn bao gồm tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế như than đá, trì hoãn việc loại bỏ các nhà máy hạt nhân hoặc giảm nhu cầu từ các nhà sản xuất công nghiệp.

Song báo cáo cũng thận trọng rằng kịch bản đó dựa trên giả định rằng: EU có thể mua được lượng LNG lớn kỷ lục; các bên tham gia thị trường có đủ động lực để mua và dự trữ khí đốt với giá cao; nguồn khí đốt đó sẽ được phân phối liền mạch giữa các quốc gia.

Đáng chú ý, Bruegel cảnh báo viễn cảnh EU chuyển sang sử dụng than nhiều hơn sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với khí hậu. Một báo cáo do Liên hợp quốc thực hiện được công bố hôm 28/2 cho thấy rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu đang biến đổi môi trường sống trên Trái đất, với những tác động gây tình trạng rối loạn và lan rộng hơn dự báo do các nhà khoa học đưa ra cách đây 20 năm.

Bruegel nói rằng việc quản lý chi phí, cũng như phối hợp giữa các chính phủ và các công ty sẽ là một thách thức khi châu Âu cố gắng bổ sung nguồn cung. Giá khí đốt trên thị trường châu Âu hiện đã thấp hơn mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 12/2021, nhưng vẫn ở mức cao.

Theo Bruegel, việc bổ sung lượng khí đốt tương đương 70 terawatt giờ điện trước mùa Đông tới sẽ khiến EU tiêu tốn ít nhất 70 tỷ euro (79 tỷ USD), so với 12 tỷ euro (13,5 tỷ USD) trong những năm trước.

Các quốc gia EU đang bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị trước cho kịch bản không mong muốn trên. Hôm 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ xây dựng hai trung tâm lưu trữ LNG mới.

Đức cũng được cho là đang xem xét liệu có nên kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của họ, vốn dự kiến bị đóng cửa trong năm nay hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục