Khảo sát thị trường ngày 15/2 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021) cho thấy nhìn chung đã sôi động hơn so với ngày mùng 3 do có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh bán hàng trở lại.
Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sức mua chưa cao, hoạt động mua bán hầu hết tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ các loại, hoa quả…
Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, tại hệ thống siêu thị giá hàng hóa thực phẩm ổn định.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thực phẩm ổn định so với những ngày sát Tết và tăng nhẹ so với với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.
Các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, thủy hải sản, rau củ, hoa quả cũng đã bán hàng trở lại nhiều hơn, nguồn cung dồi dào, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
[Thành phố Hồ Chí Minh: Chợ bán lẻ bắt đầu nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng]
Cụ thể, giá các loại gạo tẻ thường từ 13.500-14.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000-36.000 đồng/kg.
Ngoài ra, giá thịt lợn thăn ở mức 140.000-170.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I ở mức 290.000-330.000 đồng/kg; giá gà lông dao động từ 110.000-130.000 đồng/kg; tôm sú từ 350.000-500.000 đồng/kg (tùy loại); cá chép từ 65.000-80.000 đồng/kg, cá trắm từ 60.000-85.000 đồng/kg; giò lụa phổ biến 150.000-180.000 đồng/kg; giò bò 280.000-320.000 đồng/kg; lạp xưởng vissan 3 Bông mai 160.000-170.000 đồng/kg.
Cùng với đó, đường bán lẻ ở mức 20.000-22.000 đồng/kg; dầu ăn 42.000-44.000 đồng/lít, bia lon Heineken từ 380.000-400.000 đồng/thùng; Cocacola 170.000-185.000 đồng/thùng; bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đồng/thùng.
Rau xanh tập trung chủ yếu vào bắp cải 5.000-10.000 đồng/kg, su hào 2.000-4.000 đồng/củ, xà lách 15.000-20.000 đồng/kg, cà chua 5.000-15.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây 12.000-20.000 đồng/kg, súp lơ 5.000-15.000 đồng/cây...
Các loại hoa quả như cam sành 28.000-35.000 đồng/kg, cam canh 45.000-65.000 đồng/kg, xoài cát chu 50.000-70.000 đồng/kg, bưởi da xanh 70.000-80.000 đồng/kg, dưa hấu 20.000-25.000 đồng/kg, hoa cúc 30.000-50.000 đồng/chục, hoa hồng loại có cành lộc 60.000-80.000 đồng/chục…
Dự báo trong ngày mùng 5 Tết, nhiều hoạt động đã trở lại bình thường, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp thực phẩm ngành công thương đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết thông tin và chủ động mua sắm hàng hoá từ sớm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có phương án vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào và được phân phối tại các kênh siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống phong phú, giá cả ổn định.
Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte Mart, Co.op mart… lượng hàng hóa bánh kẹo được sản xuất trong nước bởi các doanh nghiệp như Kinh Đô, Orion, Hải Hà, Bibica,… chiếm trên 80%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ một lượng hàng hóa lớn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết.
Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại và giá cả đa dạng.
Người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm được sản xuất trong nước, có chất lượng, thương hiệu bởi các doanh nghiệp lớn. Trong các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước, bánh kẹo sản xuất trong nước chiếm đến hơn 80%.
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất kinh doanh và hệ thống phân phối đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng lưu ý, để đảm bảo cho người dân đón Tết an vui, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phân công bảo đảm đủ số lượng công chức trực 24/24, duy trì kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý tốt địa bàn để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Theo báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường, ngày 15/2 nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại./.