Bài 1: EVFTA - Đòn bẩy hiệu quả cho thương mại Việt Nam và EU

Nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU

Chùm 2 bài viết tập hợp ý kiến đánh giá của các chuyên gia nước ngoài và thương vụ Việt Nam nêu bật kết quả của 3 năm triển khai EVFTA và các giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả hơn nữa hiệp định này.
Nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU ảnh 1Công ty may Tinh Lợi (Hải Dương) mỗi năm xuất khẩu hàng triệu sản phẩm sang thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chính thức có hiệu lực ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã trở thành dấu mốc quan trọng trong hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Vượt qua những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, qua 3 năm thực thi EVFTA, Việt Nam và EU đã khai thác hiệu quả các ưu đãi, gặt hái nhiều thành quả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và đầu tư.

Với việc phần lớn các cam kết đã được triển khai, hiệp định đã từng bước trở thành động lực tăng trưởng hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam và EU.

Chùm 2 bài “Nhìn lại 3 năm EVFTA” tập hợp ý kiến đánh giá của các chuyên gia nước ngoài và đại diện thương vụ Việt Nam tại châu Âu, nêu bật những kết quả của 3 năm triển khai EVFTA cũng như giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả hơn nữa hiệp định này trong thời gian tới

Bài 1: Đòn bẩy hiệu quả cho thương mại hai chiều

EVFTA bắt đầu được thực thi vào đúng giai đoạn bất ổn của kinh tế thế giới do đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng năng lượng và lương thực, lạm phát tăng cao, thắt chặt chi tiêu…

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 27 nước EU không hề sụt giảm, cho thấy EVFTA là đòn bẩy hiệu quả cho thương mại hai chiều.

Việt Nam vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Ngược lại, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Chỉ tính riêng hai nền kinh tế hàng đầu EU là Đức và Pháp, năm ngoái, khối lượng thương mại của Việt Nam với Đức tăng đáng kể và đạt mức cao kỷ lục 18,1 tỷ euro, trong đó Việt Nam xuất siêu là 11,3 tỷ euro (12,27 tỷ USD).

Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp tăng 18,8% so với năm 2020, lên hơn 7,27 tỷ euro (7,97 tỷ USD), mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Berlin, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (AHK) nhấn mạnh lợi ích rõ rệt nhất mà EVFTA mang lại thể hiện qua việc bất chấp những gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, với tốc độ gia tăng hằng năm lần lượt là 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022.

Nhờ EVFTA, cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào châu Âu đã rộng mở. Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất.

Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào EU là thủy sản, gạo, các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Đặc biệt, gạo vốn không phải là mặt hàng chủ chốt xuất sang EU nhưng có kim ngạch xuất khẩu tăng đều trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm qua, xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn và vượt hạn ngạch 80.000 tấn hằng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ EVFTA. Trong đó, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng mạnh, như Hà Lan tăng 44%, Ba Lan tăng 68%, Tây Ban Nha tăng 89%, Bỉ tăng 149%...

Nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU ảnh 2Nhờ Hiệp định EVFTA ngành da giày duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Lần đầu tiên, gạo thương hiệu Việt Nam tiếp cận thành công phân khúc bán lẻ lớn nhất tại châu Âu, khi được đưa lên kệ hàng trên hai chuỗi đại siêu thị lớn nhất Pháp là Carrefour và E.Leclerc.

Theo bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức, điều này cho thấy EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam.

Kết quả này cũng thể hiện hiệu quả của EVFTA giúp duy trì xuất khẩu và đà phục hồi của kinh tế Việt Nam, góp phần vào mức tăng trưởng GDP 8,02% của Việt Nam năm 2022, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

[Chuyên gia Đức đánh giá tích cực hiệu quả sau ba năm thực hiện EVFTA]

Ngoài nông sản, các ngành hàng có lợi thế xuất sang EU như dệt may, da giày đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động Việt Nam, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng góp phần cải thiện thu nhập, việc làm ổn định và nâng cao chuyên môn cho người lao động.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Paris, ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp nêu rõ việc EVFTA giúp hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường lớn và khắt khe như EU có thể coi là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia một cách chuyên nghiệp, có bài bản, kế hoạch rõ ràng hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Khi thực hiện EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tận dụng cơ hội từ ưu đãi thuế, tăng cường sản xuất theo hướng các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chí, tiêu chuẩn mà EU yêu cầu.

Bên cạnh đó, các lợi ích từ xuất xứ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã làm tăng sự tin tưởng và giúp nông sản Việt Nam được biết đến nhiều hơn, tăng thương hiệu và giá trị, tạo cơ hội cho các hàng hóa khác, kết nối các doanh nghiệp nhập khẩu EU với các nhà cung ứng Việt Nam.

Người dân Việt Nam được tiếp cận sản phẩm EU chất lượng cao, an toàn với giá thành hợp lý. Thông qua EVFTA, việc nhập khẩu máy móc, chuyển giao công nghệ đã giúp cải thiện dây chuyền sản xuất của các nhà sản xuất Việt Nam, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp hiện đại hơn.

Nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU ảnh 3Nông dân HTX Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Việc Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên sẵn sàng tham gia vào một hiệp định thế hệ mới với những cam kết có tiêu chuẩn cao với EU đã tạo cơ sở và động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu gia tăng trao đổi thương mại với các đối tác Việt Nam, cũng như mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều khách hàng mới từ Lục địa già.

Ở chiều ngược lại, trong 2 năm 2021-2022, xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng trưởng 20-25%. Các quy định toàn diện về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật cũng giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp EU thông qua các thủ tục minh bạch và nhanh chóng hơn.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp EU nhờ thị trường gần 100 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh và lực lượng lao động trẻ, cùng với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Do nhiều biến động liên tục của thế giới trong mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Bắc Âu đang phải hướng ra bên ngoài nhằm đối phó với tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất và vận tải, chủ động tìm kiếm các thị trường mới, chuyển dịch đầu tư, thương mại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm chuyển dịch hấp dẫn do có EVFTA. Các doanh nghiệp đang có xu hướng muốn chuyển dịch đầu tư nhà máy để sản xuất tại Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi từ EVFTA khi xuất khẩu ngược lại vào thị trường EU.

[Nhìn lại hành trình 3 năm hàng Việt Nam vào Pháp bằng EVFTA]

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Brussels, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU Trần Ngọc Quân đánh giá kinh tế châu Âu những năm qua gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu của nhiều nước vào châu lục này đều suy giảm, song nhờ EVFTA, Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU cũng đồng thời sẽ tạo điều kiện để khối này tăng xuất khẩu vào Việt Nam.

Những số liệu trong cán cân thương mại của EU cho thấy đây là một trong những hiệp định thành công và là một trong những giải pháp để giúp nền kinh tế EU vượt qua khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua.

Tiến sỹ Daniel Müller, Giám đốc khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) khẳng định riêng việc thực hiện các thỏa thuận trong hiệp định một cách ràng buộc đã là một thành công.

Nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU ảnh 4Với việc EVFTA được thông qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%, xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần. (Ảnh: TTXVN)

Ông đánh giá cao lợi thế hợp tác khi nền kinh tế và doanh nghiệp hai bên có thể bổ sung lớn cho nhau. Đơn cử như với Đức, các công ty Đức, với công nghệ và kinh nghiệm, có thể góp phần đẩy mạnh tự động hóa và số hóa các quy trình sản xuất tại các công ty Việt Nam cũng như gia tăng năng suất ở Việt Nam.

Hai bên cũng có thể tính tới việc cùng xây dựng và phát triển mạng lưới các nhà cung ứng cho sản xuất công nghiệp vốn đòi hỏi khắt khe của các công ty Đức tại Việt Nam, hay cùng phát triển lực lượng lao động được đào tạo bài bản.

Ngược lại, các doanh nghiệp Đức có thể kiểm tra cụ thể xem các công ty Việt Nam có những tiến bộ và giải pháp thú vị nào mà họ có thể áp dụng.

Có thể khẳng định qua 3 năm thực hiện, EVFTA đã và đang mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, qua đó mở ra một giai đoạn mới giúp mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-EU đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Chuyên gia Müller nhận định EVFTA mang lại nhiều cơ hội mà các công ty của cả hai bên cần tích cực nắm bắt và khai thác hiệu quả hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành đối tác quan trọng và tin cậy trong chiến lược của EU về tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á và châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục