Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016

Không gian phố đi bộ chính thức đi vào hoạt động, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, Hà Nội công bố bản đồ di sản văn hóa phi vật thể… là những sự kiện văn hóa nổi bật tại Thủ đô trong năm 2016.
Tổ chức không gian phố đi bộ
Từ ngày 1/9, không gian phố đi bộ được tổ chức xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trong thời gian từ 19 giờ thứ Sáu đến 24 giờ Chủ Nhật hàng tuần.

Trong thời gian này, toàn bộ phương tiện cơ giới và thô sơ bị cấm hoạt động tại các tuyến đường nằm trong không gian phố đi bộ. Thành phố đã bố trí 78 điểm đỗ trông giữ ôtô, xe đạp, xe máy với diện tích 17.380m2.

Tại phố đi bộ, người dân, du khách được hòa mình vào một không gian văn hóa-nghệ thuật có sự giao thoa giữa quá khứ và hiện đại với các trò chơi dân gian, triển lãm tranh, thư pháp, biểu diễn xiếc, ca nhạc…

Có hơn 30 trạm phát wifi miễn phí đã được lắp đặt quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Du khách có thể truy cập wifi miễn phí từ các thiết bị di động bằng cách bật chế độ tìm kiếm wifi và lựa chọn điểm phát có tên “Freewifi_UBNDHANOI.”

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 1Phố đi bộ thu hút đông du khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể và kết quả kiểm kê di tích
Hồi tháng Mười, Hà Nội đã công bố danh mục di tích lịch sử-văn hóa và kết quả tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, trên địa bàn Thủ đô có 5.922 di tích (trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố). Trong số các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô, huyện Ứng Hòa có số di tích lớn nhất (443 di tích).

Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 11 di sản (thuộc hai loại hình: ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian) được đưa vào danh sách cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 2Học sinh tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hà Nội chính thức có phố sách cố định
Phố sách Hà Nội sẽ được tổ chức cố định tại phố 19-12 (tuyến phố nằm cạnh trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, nối giữa phố Hai Bà Trưng và phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm), dự kiến khai trương vào cuối năm 2016.

Theo đề án do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xây dựng, phố sách Hà Nội sẽ bao gồm cả phố sách cố định và phố sách di động. Phố sách cố định dự kiến xây dựng tại phố 19-12, hoạt động liên tục từ 8 giờ - 22 giờ hàng ngày với khoảng 20 gian hàng. Các gian hàng được thiết kế gắn với các hoạt động tọa đàm, giao lưu, giới thiệu sách. Khu vực dải phân cách sẽ được bố trí thành không gian đọc sách.

Phố sách di động sẽ bao gồm các gian hàng sách tại vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực sát Nhà Kèn.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 3Phố sách Hà Nội Xuân Bính Thân thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Bảo tàng Hà Nội lọt tốp bảo tàng đẹp nhất thế giới
Bảo tàng Hà Nội đã được Business Insider bình chọn là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới.

Bảo tàng Hà Nội tọa lạc trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm). Tòa nhà gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, diện tích sàn xây dựng hơn 30.000m2. Đặc biệt, kiến trúc công trình có dạng kim tự tháp ngược, cầu thang xoáy ốc đưa khách đến các khu trưng bày. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để Business Insider bình chọn Bảo tàng Hà Nội là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới.

Với hàng nghìn hiện vật giá trị, đây là nơi lưu giữ ký ức, kể lại những câu chuyện về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 4Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Lễ hội Âm nhạc Gió mùa
Diễn ra trong ba ngày (từ 21-23/10) tại Hoàng Thành Thăng Long, Lễ hội Âm nhạc Gió mùa là một sự kiện ấn tượng trong đời sống văn hóa-nghệ thuật Hà Nội năm 2016.

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình năm nay là sự góp mặt của ban nhạc rock lừng danh thế giới Scorpions (Đức).

Bên cạnh đó, chương trình còn quy tụ nhiều ban nhạc, nghệ sỹ tên tuổi của nước ngoài và Việt Nam như: SaveUs (Đan Mạch), Last Train (Pháp), Rukhsana Merrise (Anh), Kite (Thụy Điển), DJ Julien Sato và VJ 100LDK (Nhật Bản), Tùng Dương (Việt Nam), Mỹ Linh (Việt Nam)…

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 5Lễ hội Âm nhạc Gió mùa. (Ảnh BTC)
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016
Với chủ đề “Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững,” Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ tư (năm 2016) diễn ra từ ngày 1-5/11 tại Hà Nội.

Liên hoan phim năm nay thu hút hơn 500 bộ phim (trong đó có gần 300 phim dài và trên 200 phim ngắn) đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đó là những bộ phim chưa từng dự thi tại các kỳ liên hoan phim quốc tế được tổ chức trong khu vực Đông Nam Á.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của liên hoan năm nay là việc mở rộng hạng mục phim dự thi cho tất cả các nền điện ảnh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (thay cho phim dự thi trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như các kỳ trước).

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 6Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2016 diễn ra từ ngày 1-5/11. (Ảnh: TTXVN)
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam ra Hà Nội
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) diễn ra từ ngày 01-06/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), quy tụ 23 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước và thế giới. Đây là lần đầu tiên chương trình chính thức ra mắt khán giả Thủ đô sau ba mùa liên tiếp được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, ban tổ chức đã công bố kế hoạch sản xuất định kỳ hai mùa Tuần lễ thời trang mỗi năm gồm Xuân Hè tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thu Đông tại thủ đô Hà Nội.

Đây là một trong những nỗ lực nhằm đuổi kịp dòng chảy của thời trang thế giới, cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất đến các tín đồ thời trang trong nước.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 7Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam quy tụ 23 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang nổi tiếng (Ảnh: Vietnam+)
Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Festival Áo dài
Với chủ đề “Tinh hoa áo dài Việt Nam,” Festival Áo dài Hà Nội diễn ra từ ngày 14-16/10 tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Festival áo dài nhằm khơi dậy những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống.

32 nhà sưu tập đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế mang đến Festival những bộ sưu tập mang đậm hồn cốt Hà Nội. Đó là những nét vẽ về phố tranh Bùi Xuân Phái, tranh Hàng Trống, cổng làng Hà Nội, con đường gốm sứ, phố cổ Hà Nội, những gánh hàng hoa, những bông lúa non cùng hình ảnh cốm Vòng, những danh thắng Hà Nội... Tất cả gợi lại một hình Hà Nội sâu lắng, tràn đầy cảm xúc.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 8Quang cảnh bế mạc Festival Áo dài Hà Nội 2016. (Ảnh: TTXVN)
Nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội
Bắt đầu từ cuối tháng Tám, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện thực hóa chủ trương đưa các tác phẩm sân khấu chất lượng cao vào biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Không gian Nhà hát Lớn không chỉ dành riêng cho các loại hình nghệ thuật hàn lâm (như giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch) mà còn mở rộng cửa với tất cả các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương…

Với chương trình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu để khán giả trong nước và quốc tế thường xuyên đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao, thăm quan di tích lịch sử cấp quốc gia hơn 100 năm tuổi này.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 9Nhà hát Lớn mở rộng cửa với các loại hình nghệ thuật truyền thống. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Tái hiện hình ảnh Hà Nội mùa Đông 1946
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016), nhiều triển lãm ảnh, tư liệu lịch sử được tổ chức; tiêu biểu như triển lãm “Sống mãi với Thủ đô” tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội (số 19C Hoàng Diệu, Hà Nội), triển lãm “Bản hùng ca mùa Đông năm 1946” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội)…

Các tài liệu, hiện vật được trưng bày một lần nữa khẳng định những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông.

Nhìn lại “bức tranh” văn hóa đa sắc màu tại Hà Nội trong năm 2016 ảnh 10Chiến sỹ cảm tử sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Thủ đô - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục