Ngày 8/10, Israel thông báo mở rộng chiến dịch trên bộ tại Liban sau khi điều thêm Sư đoàn dự bị 146 tham gia chiến dịch hạn chế nhằm vào các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở Tây Nam Liban.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận Sư đoàn dự bị 146 dự kiến phối hợp với Sư đoàn 98, 36 và 91 đang hoạt động ở Nam Liban, nâng tổng số binh sỹ Israel triển khai tại Liban lên hơn 15.000 người.
Đây không phải là lần đầu tiên Israel triển khai chiến dịch trên bộ tại Liban. Kể từ năm 1978, các hoạt động quân sự của Israel ở miền Nam Liban, bao gồm cả việc chiếm đóng kéo dài nhiều năm, đã không đạt được mục đích đảm bảo an ninh miền Bắc Israel.
Chiến dịch Litani 1978
Vào tháng 3/1978, sau khi một nhóm thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) xâm nhập Israel từ Liban và giết chết 35 thường dân, Israel đã phát động Chiến dịch Litani với mục tiêu phá hủy các căn cứ của PLO ở miền Nam Liban và đảm bảo an ninh ở miền Bắc Israel.
Vào thời điểm căng thẳng nhất, Israel huy động khoảng 25.000 binh sỹ tham gia chiến dịch này, bao gồm phần lớn Sư đoàn 36 và lực lượng nhảy dù của IDF. Trong quá trình giao tranh, xung đột đã mở rộng đến sông Litani, một điểm phân định quan trọng ở miền Nam Liban.
Quân đội Israel đã thành công buộc lực lượng PLO phải rút khỏi miền Nam Liban. Đến tháng 6/1978, khoảng 2.000 người Liban và Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch này.
Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel rút quân khỏi Liban và thành lập Lực lượng Lâm thời của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) nhằm duy trì an ninh tại khu vực biên giới hai nước.
Chiến tranh Liban 1982
Bất chấp Chiến dịch Litani, an ninh ở miền Bắc Israel vẫn chưa được khôi phục và các cuộc đụng độ giữa lực lượng PLO và Israel quanh biên giới vẫn tiếp diễn.
Sau vụ tổ chức Abu Nidal của Palestine bắn bị thương Đại sứ Israel tại London, Thủ tướng Israel Menachem Begin đã đổ lỗi cho PLO và lấy đó làm cái cớ để phát động Chiến dịch Hòa bình cho Galilee nhằm tiêu diệt lực lượng cùng cơ sở hạ tầng của PLO ở miền Nam Liban.
Được sự hậu thuẫn của lực lượng Cơ đốc giáo tại Liban, hơn 40.000 binh sỹ Israel cùng hàng trăm xe tăng đã tiến vào Liban, bao vây thủ đô Beirut trong nhiều tháng.
Trong chiến dịch quân sự này, 19.000 thường dân và chiến binh người Liban, Syria và Palestine đã thiệt mạng.
Israel thành công trong việc buộc PLO phải di tản khỏi Liban dưới sự giám sát của quốc tế. Tuy nhiên, Israel lại thất bại về mặt chiến lược khi không giải quyết được tận gốc vấn đề người Palestine.
Vụ ám sát Tổng thống đắc cử của Liban Bashir Gemayel, người có quan điểm ủng hộ Israel, đã dẫn tới vụ thảm sát Sabra và Shatila, khi những người theo chủ nghĩa Phalange theo đạo Thiên chúa giết hại hơn 2.000 người Palestine. Ủy ban điều tra của Israel sau đó phán quyết rằng Israel "gián tiếp" chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát này.
Israel chiếm đóng miền Nam Liban, 1982-2000
Mặc dù quân đội Israel đã rút khỏi thủ đô Beirut, nước này vẫn tiếp tục chiếm đóng miền Nam Liban trong 18 năm, hoạt động chủ yếu ở phía Nam sông Awali.
Từ năm 1985, Israel tập trung phối hợp với lực lượng bán quân sự theo đạo Thiên Chúa có tên gọi Quân đội Nam Liban (SLA) nhằm đảm bảo khu vực an ninh với chiều sâu từ 5-20km chạy dọc theo biên giới.
Tuy nhiên, với việc PLO đã bị trục xuất khỏi Liban, khu vực này trở thành tâm điểm của cuộc xung đột giữa lực lượng chiếm đóng của Israel và các nhóm vũ trang người Shitte, trong đó có tổ chức Hezbollah, nhóm nổi lên ở tuyến đầu trong cuộc chiến tranh du kích chống lại quân đội Israel.
Hoạt động chiếm đóng này có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các chiến dịch tấn công trước đó, nhưng cuối cùng cũng không khôi phục được an ninh cho miền Bắc Israel.
Hoạt động chiếm đóng đã kết thúc vào tháng 5/2000 khi Thủ tướng Ehud Barak ra lệnh rút quân đội Israel theo nghị quyết 425 của Liên hợp quốc, dẫn đến sự sụp đổ của SLA.
Bên hưởng lợi rõ ràng nhất sau khi Israel rút quân là tổ chức Hezbollah và thủ lĩnh của nhóm này, Hassan Nasrallah, người được người dân tại Liban và các nước Arab ca ngợi vì đã đánh đuổi được Israel.
Cuộc chiến tranh Liban lần thứ hai, năm 2006
Sau một chiến dịch phức tạp của Hezbollah nhằm bắt cóc binh sỹ Israel để đổi lấy tù nhân, Thủ tướng Israel Ehud Olmert đã phát động cuộc chiến tranh Liban lần thứ hai "để thay đổi cán cân", bằng cách cố gắng buộc Hezbollah rút khỏi miền Nam Liban, khôi phục an ninh ở miền Bắc Israel.
Cuộc chiến bắt đầu bằng một chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào sân bay Beirut, trụ sở Hezbollah và kho tên lửa ở Beirut, cùng các bệ phóng tên lửa ở phía Nam Liban. Tiếp đó, một cuộc tấn công trên bộ ban đầu của 2.000 quân đã leo thang nhanh chóng.
Cuộc xung đột được coi là một trong những cuộc chiến không có hồi kết nhất của Israel. Cuộc giao tranh kết thúc với việc Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua Nghị quyết 1701 với nội dung giải giáp các nhóm vũ trang bao gồm Hezbollah và rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi khu vực phía Nam sông Litani, ngoại trừ UNIFIL và lực lượng vũ trang Liban. Tuy nhiên, Nghị quyết 1701 chưa bao giờ được thực thi./.
Thủ tướng Israel cảnh báo Liban đối mặt với sự hủy diệt giống như Gaza
Thủ tướng Israel cảnh báo người dân Liban có thể phải đối mặt với sự hủy diệt như ở Gaza khi bị chiến tranh tàn phá nếu họ không "giải phóng" đất nước khỏi Hezbollah.