Cách đây 30 năm, ngày 29/8/1988, nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ đã ra đi trong một tai nạn giao thông.
Khi ấy, nhà thơ Lưu Quang Vũ mới 40 tuổi. Thế nhưng, chỉ với 40 năm sống trên đời, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã sống một cuộc sống đáng sống bên cạnh người bạn đời, nhà thơ Xuân Quỳnh.
Hai người không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm kịch, thơ, sống mãi với thời gian mà tình yêu của họ dành cho nhau cũng trở thành một huyền thoại đẹp.
Sự ra đi đột ngột của cặp nghệ sỹ tài hoa vào đúng thời điểm sung sức nhất về sáng tác và viên mãn trong hạnh phúc, tình yêu là lý do mà đến nay, khi nghĩ về họ nhiều người thân và người hâm mộ vẫn không khỏi nghẹn ngào, tiếc nhớ.
Di sản thơ ca, kịch của hai thi sỹ để lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho văn học nghệ thuật nước nhà.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh cũng là cặp vợ chồng nghệ sỹ đầu tiên của Việt Nam cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Lưu Quang Vũ đã nhiều lần khẳng định, đối với ông, thơ mới là sự nghiệp lâu dài, là chốn thâm sâu nhất của tâm hồn.
Ông quan niệm: thơ vẫn là “bà hoàng” của mọi ngành nghệ thuật. Và Lưu Quang Vũ đã sống hết tận cùng năm tháng với thơ. Nhưng có lẽ do ý thức trách nhiệm công dân và thiện tâm của một người nghệ sỹ, mong muốn góp phần dựng xây đời khiến Lưu Quang Vũ đã tham dự vào sân khấu kịch với một niềm đam mê cháy bỏng và để lại dấu ấn khó phai trong nền sân khấu kịch nước nhà.
Viết kịch để sống cùng thời đại
Bắt đầu sự nghiệp viết kịch vào năm 1979 với tác phẩm đầu tay "Sống mãi tuổi 17" viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ, Lưu Quang Vũ đã sớm bộc lộ cái duyên với sân khấu, khi đem tác phẩm này tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980 và đoạt huy chương vàng.
Thành công ban đầu đã tạo được niềm tin để Lưu Quang Vũ viết tiếp một số vở kịch như: “Mùa hạ cuối cùng,” “T15 đi về đâu,” “Cô gái đội mũ nồi xám”...
Khi ngòi bút đã chín, Lưu Quang Vũ viết khá nhanh, có vở viết trong một tuần hoặc mười ngày là xong. Có những sự kiện, báo chí đang rộ lên thì người ta đã thấy xuất hiện ngay trong kịch của Lưu Quang Vũ.
Và chỉ trong vòng 10 năm viết kịch, 10 năm bùng phát thăng hoa một tài năng xuất chúng, cũng là 10 năm cuối của cuộc đời, Lưu Quang Vũ đã sáng tác tới 53 vở kịch ngắn, dài - một sức viết khủng khiếp và cũng là số kỷ lục của một tác giả, khi tuổi đời vừa tròn 40.
Kịch của Lưu Quang Vũ đến với công chúng vào đúng thời điểm sân khấu Việt đang đòi hỏi hết sức khẩn thiết phải đổi mới.
Hiện thực cuộc sống được phơi bày. Cái tốt có, cái xấu có. Cái lý tưởng đang dần phai nhạt và cái tầm thường đang trỗi dậy, có cơ lấn lướt...
Và cũng là thời điểm đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn của thời kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Những khó khăn vất vả của cuộc sống thường ngày cộng với việc phải đối mặt với trùng vây những vấn nạn xã hội đã khiến cho đời sống văn nghệ chừng như ngừng lại.
Và giữa cơn trầm lắng ấy, các vở kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện và đã tạo nên một “vệt sáng” khó quên trên “bầu trời” kịch nghệ Việt Nam...
Rất nhiều các tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã làm sôi động sân khấu Việt Nam như “Hồn Trương Ba-da hàng thịt,” “Lời thề thứ 9,” “Bệnh sỹ,” “Khoảnh khắc và vô tận,” “Ông không phải bố tôi,” “Tôi và chúng ta,” “Tin ở hoa hồng,” “Nàng Sita”...
Và chỉ mới 5 năm bước vào làng kịch, qua 5 đợt Hội diễn sân khấu toàn quốc, năm 1985 Lưu Quang Vũ xuất hiện như một “hiện tượng” của giới sân khấu.
Ông đã tạo nên một kỷ lục hiếm có, “vô tiền khoáng hậu” trong đời sống hoạt động nghệ thuật từ trước tới nay.
Trong 5 đợt hội diễn này Lưu Quang Vũ có 8 vở tham gia thì 6 vở được huy chương vàng và 2 vở được huy chương bạc.
Với những nội dung đầy ắp tính triết lý, nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ, các vở diễn của Lưu Quang Vũ ra đời đã như những luồng gió mới mang hơi thở của thời đại.
Kịch của Lưu Quang Vũ luôn đề cập đến những vấn đề bức thiết của xã hội, phản ánh được những vấn đề thời sự nóng bỏng, đến những mâu thuẫn xung đột của xã hội trong thời kỳ chuyển mình của cơ chế.
Nắm bắt được những vấn đề nóng bỏng của đời sống mà khán giả đang quan tâm, cộng với khả năng quan sát tinh tế và tri thức xã hội uyên thâm của một nghệ sỹ tài năng, Lưu Quang Vũ đã biết nhân cách hóa những chi tiết trong đời thường để trở thành những trò diễn hấp dẫn, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính khái quát điển hình, vươn tới ý nghĩa thời đại.
Nóng bỏng tính thời sự, nhưng không sao chép đời sống một cách máy móc, đơn thuần, mà Lưu Quang Vũ luôn thao thức, đau đáu với mỗi cuộc đời, với xã hội. Vì vậy, kịch của Lưu Quang Vũ luôn được khán giả quan tâm vì ông đã giải tỏa được những bi kịch với niềm tin và lòng nhân ái.
[Nữ thi sỹ Xuân Quỳnh - cuộc đời và khát vọng gửi lại trong thơ]
Lưu Quang Vũ cũng viết về đề tài chiến tranh, viết về thời hậu chiến, nhưng ở ông không sa đà vào những vấn đề quan hệ cá nhân, mà ông luôn đặt mối quan hệ cá nhân trong mối quan hệ xã hội để đẩy lên tầm tư tưởng.
Vì vậy, nhiều tác phẩm của ông đã vươn tới tính thời đại, bộc lộ được những xung đột xã hội, xung đột của cơ chế, cuộc chiến giữa trắng-đen, cao thượng-thấp hèn, cái còn-cái mất...
Chất sáng tạo trên từng vai diễn, cách dàn dựng
Không những đem hơi thở tươi rói của xã hội vào từng phân cảnh, mà xem kịch của Lưu Quang Vũ, người ta còn tìm ra ở đấy chất sáng tạo đương đại trên từng vai diễn cũng như trong cách dàn dựng sân khấu.
Tiết tấu nhanh, nhiều phân cảnh, lời thoại gấp gáp, xúc tích lồng trong một chủ đề thời sự đã kích động những thớ thịt của người xem khiến họ tham gia vào kịch bản một cách tích cực.
Họ không những được đồng cảm với các nhân vật mà còn tưởng chừng như mình được tham dự giải quyết các tình huống đang xảy ra trên sân khấu.
Nét mới lạ trong kịch của Lưu Quang Vũ là sự chuyển động. Tác giả và đạo diễn phối hợp với nhau gây bất ngờ trên sàn diễn qua các thao tác của diễn viên cũng như đặt vấn đề có liên quan đến trọng tâm vở kịch bằng những chuỗi sự kiện xoay quanh, tương hỗ nhau một cách một cách nhuần nhuyễn.
Tất cả những điều đó đã khiến cho kịch Lưu Quang Vũ đến được với đông đảo tầng lớp quần chúng nhân dân và khiến cho các nhà hát kịch sáng đèn trở lại.
Ở thời điểm đó, Lưu Quang Vũ nổi tiếng đến mức có những đêm hơn 40 đoàn kịch nói công diễn các vở kịch của ông.
Có những vở được diễn liên tục hơn 150 lần trong cùng một sân khấu và hàng lọat vở như "Tôi và chúng ta," "Đỉnh cao mơ ước," "Lời thề thứ chín," "Tin ở hoa hồng," "Ông không phải bố tôi," "Lời nói dối cuối cùng," "Nàng Sita," "Hoa cúc xanh trong đầm lầy," "Hồn Trương Ba, da hàng thịt,"… đã làm cho hàng trăm nghệ sỹ và diễn viên tham gia vào những kịch bản này trở nên nổi tiếng.
Đã 30 năm trôi qua, kể từ ngày Lưu Quang Vũ rời xa cõi tạm, đôi lúc có người vẫn buột miệng hỏi: Nếu không có ông, sàn diễn kịch nói Việt Nam từ năm 1986 đổi mới đến nay sẽ ra sao? Thật khó mà hình dung được, bởi lẽ cho đến hôm nay, cái thời mà công nghệ số lên ngôi, những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn được các Nhà hát kịch dàn dựng lại, và mỗi buổi diễn luôn chật kín người xem.
Họ xem, cười và khóc, đi cùng với đó là những lời bình luận đắc ý, khoan khoái: "Quá đúng," "Bây giờ cũng có khác gì đâu"... cho thấy giá trị tác phẩm có sức sống bền lâu đến nhường nào.
Lưu Quang Vũ đã ra đi, nhưng tác phẩm của ông vẫn ở lại, đẹp đẽ, mạnh mẽ, cho những đồng nghiệp, bạn bè, các lứa nghệ sỹ sân khấu và hàng vạn khán giả bao hy vọng.
Hy vọng vào nghệ thuật sân khấu lấy lại vị thế của mình, hy vọng vào những thông điệp mà tác giả gửi gắm sẽ toại thành, hy vọng sân khấu và xã hội sẽ có những thay đổi tích cực, bổ trợ để phát triển lành mạnh: sôi động và nhân văn.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!