Nữ thi sỹ Xuân Quỳnh - cuộc đời và khát vọng gửi lại trong thơ

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Xuân Quỳnh đã đi một cách trọn vẹn trên con đường lớn của thơ ca, thơ của chị đi vào trái tim nhiều thế hệ bạn đọc và sẽ đi cùng thế hệ mai sau.
Nữ thi sỹ Xuân Quỳnh - cuộc đời và khát vọng gửi lại trong thơ ảnh 1Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Trong nền văn học Việt Nam, Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ tình hàng đầu của thời kỳ hiện đại. Từ chặng đường đầu tiên bước vào làng thơ cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, trái tim Xuân Quỳnh luôn cồn lên với những khát vọng yêu thương không ngừng nghỉ.

Xuân Quỳnh là một nhà thơ bẩm sinh, một nhà thơ vút lên từ số phận, từ tình yêu không bao giờ vơi cạn.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Xuân Quỳnh đã đi một cách trọn vẹn trên con đường lớn của thơ ca. Con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời. Thơ Xuân Quỳnh đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ bạn đọc và nó sẽ còn song hành cùng với những thế hệ mai sau.

Nặng lòng với văn chương

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê, Hà Đông - ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhuệ hiền hòa.

Mồ côi mẹ từ sớm, lớn lên giữa thời kỳ đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn, mới 13 tuổi Xuân Quỳnh đã trở thành một diễn viên múa trong Đoàn ca múa trung ương ở khu văn công Mai Dịch.

[Câu chuyện ‘Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh - Tình yêu ở lại’]

Nhưng gần như một định mệnh có tính nghiệp dĩ: Cô gái ấy cứ nặng lòng với văn chương! Thế rồi sau đó giã từ ánh đèn màu rực rỡ nơi sân khấu, Xuân Quỳnh bước hẳn sang lãnh địa thi ca.

Trên mảnh đất thi ca mầu mỡ ấy, Xuân Quỳnh đã gieo ngót chục tập thơ. Và chính trên những trang thơ ấy ta cảm nhận một nét rất chung đó là tiếng thơ luôn da diết cháy bỏng trĩu nặng và khắc khoải với mọi nỗi buồn vui lớn lao của dân tộc với số phận mỗi con người trong những năm đánh Mỹ cũng như trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

Với Xuân Quỳnh, thơ đích thực là một hạnh phúc. Xuân Quỳnh bắt đầu đời thơ của mình thật dung dị, hồn nhiên như một con sông vận hành ra biển với những con sóng nhỏ nồng nàn, khao khát vị mặn trùng khơi.

Mở đầu là tập thơ “Chồi biếc,” ra đời năm 1963, gồm 18 bài thơ ngắn lấy chất liệu chủ yếu ở cuộc sống tâm tình của người diễn viên là chính tác giả.

Ngay trong tập thơ đầu tay này, người đọc đã “bị” những bài thơ tình của Xuân Quỳnh hoàn toàn chinh phục.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày nay vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ"

(Sóng)

Sau “Chồi biếc”, Xuân Quỳnh liên tục có những tập thơ được giới phê bình đánh giá cao và để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc yêu thơ như “Gió Lào cát trắng,” “Lời ru trên mặt đất,” “Sân ga chiều em đi,” “Tự hát,” “Hoa cỏ may,” “Bầu trời trong quả trứng”... Nhiều trong số các tác phẩm đó đã đạt được giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam.

Một cõi tình thơ còn sống mãi

Thơ của Xuân Quỳnh không phải là thứ thơ tình thuận bằng trắc dễ thuộc, nhưng một khi đã đi vào hồn người, nó sẽ “mắc” lại ở đó và trở thành cái mà người ta vẫn gọi là “những câu thơ thuộc nằm lòng.”

Những câu thơ ấy giống hệt như những giọt nước sau cơn mưa, còn đọng lại trên lá cây. Chỉ cần một làn xúc cảm chợt đến, khẽ chạm vào lá là những câu thơ ấy sẽ rơi rụng ngay xuống vùng tâm thức và mồn một hiện lên giữa lòng ta.

Và bao giờ cũng khiến cho người ta phấp phỏng bồn chồn khi đọc, hoặc lắng lòng nhớ lại chúng. Có lẽ cái “khát vọng tình yêu” từng thiêu đốt thơ Xuân Quỳnh cũng thiêu đốt luôn cả người đọc.

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn...

(Tự hát)

Xuân Quỳnh là một người thông minh, đó là điều mà bất cứ ai từng biết đến chị đều khẳng định. Và với tố chất thông minh đó, Xuân Quỳnh đã ứng xử mọi vấn đề phức tạp mà cuộc sống đã đặt ra. Đó là việc chị đã định hướng dứt khoát cho con đường sự nghiệp của mình. Đó là nghiệp thơ.

Tiếp theo là quyết định xây dựng tình yêu và hôn nhân với nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Xuân Quỳnh đã nhận ra tài năng của Lưu Quang Vũ không phải lúc anh đang chói sáng mà là lúc anh khó khăn nhất. Chị đã nhận ra vẻ đẹp của tâm hồn anh vào lúc anh đang có nhiều đổ vỡ nhất.

Chỉ có sự thông minh, sắc sảo và một tâm hồn rộng lớn mới có thể nhận ra và chấp nhận hy sinh cho nhau như thế. Cuộc sống chung với Lưu Quang Vũ đã cho chị một nguồn năng lượng mới.

Chị vừa có trong tay một tình yêu lý tưởng, lại vừa có một hạnh phúc đời thường. Và với sự thăng hoa của tình yêu đẹp ấy chị đã cho ra đời những vần thơ tình tuyệt tác.

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu,

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ.

(Thuyền và biển)

Thơ Xuân Quỳnh có một điểm đặc biệt, đó là sự yêu đời và tình yêu nhiều khi đã bị đẩy tới bên bờ của bi kịch. Với Xuân Quỳnh, cuộc sống và tình yêu tuyệt đích có thể rất ngắn ngủi, có thể sẽ kết thúc một cách bất ngờ trước khi tuổi già ập đến.

Chính dự cảm ấy đã thôi thúc Xuân Quỳnh luôn sống hối hả, nồng cháy, hết mình với đời, với tình yêu, với hạnh phúc gia đình và với thơ, như sợ rằng tất cả những điều quá ư tốt đẹp ấy sẽ vụt qua đi như ánh chớp.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

(Tự hát)

Và những dự cảm chẳng lành ấy của Xuân Quỳnh đã xảy ra, khi ngày 29/8/1988, Xuân Quỳnh, cùng chồng (Lưu Quang Vũ) và con (Lưu Quỳnh Thơ) đã đột ngột ra đi vĩnh viễn bởi một tai nạn giao thông, để lại biết bao thương tiếc cho tất cả những ai đã yêu thơ của chị, yêu kịch và thơ của Lưu Quang Vũ.

Xuân Quỳnh đã ra đi như “Con ong xanh” bay về miền thanh thản của cõi hư vô, “Bông cúc nhỏ” cánh đã rũ rụng, thôi không còn “màu hoa vàng” cháy rực trong đêm..., nhưng Xuân Quỳnh đã kịp để lại giữa đời những “cành” thơ tươi xanh của mình.

Và cành thơ ấy sẽ mãi mãi tươi nguyên qua nhiều năm tháng vì nó được bắt rễ và mọc lên từ một tâm hồn nhân hậu, vị tha và đau đáu với đời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục