Nhốt "quyền lực đen" trong "lồng" thể chế: Diệt sâu triệt từ gốc

Các chuyên gia cho rằng hoạt động giám sát hiện nay vẫn còn khá lỏng lẻo tạo ra nhiều khoảng trống. Hoàn thiện điều này sẽ góp phần làm minh bạch các hoạt động đầu tư trên thị trường.
Nhốt "quyền lực đen" trong "lồng" thể chế: Diệt sâu triệt từ gốc ảnh 1Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt thuộc Tập đoàn Bảo Việt. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Lành mạnh hóa thị trường rõ ràng là việc cần làm để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và tăng niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên để làm được cũng không phải là câu chuyện đơn giản do các hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi hơn. Vấn đề đặt ra lúc này là cần “diệt sâu phải triệt từ gốc”.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng từ năm 2013-2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ ra một trong những hạn chế, bất cập dẫn đến tham nhũng hiện nay là thể chế về quản lý kinh tế-xã hội còn nhiều khiếm khuyết, tạo kẽ hở, điều kiện thuận lợi cho một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát rất lớn tài sản công.

Điển hình là các quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn lỏng lẻo, để xảy ra nhiều vi phạm; quy định về quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều sơ hở, nhất là quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, lãng phí đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. 

[Nhốt "quyền lực đen" trong “lồng" thể chế: Truy tận nơi “trú ẩn” cuối]

Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trường, Ban Nội chính Trung ương, lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ dừng lại ở vật chất nữa, mà còn phi vật chất, không chỉ diễn ra trong khu vực công, mà còn trong khu vực tư, có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp... 

Đấu tranh với tham nhũng, làm trong sạch lại thị trường khó khăn là vậy song không thể không làm và càng không thể lùi bước.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng," "phòng thủ," "che chắn," giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Với tinh thần đó, năm 2022, Tổng bí thư cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để không chế tham nhũng; cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhốt "quyền lực đen" trong "lồng" thể chế: Diệt sâu triệt từ gốc ảnh 2Lực lượng chức năng vào trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Quay trở lại những vụ việc vi phạm thao túng thị trường chứng khoán gần đây, các công cụ kỹ thuật, các quy định pháp luật hiện nay không phải không có với các hành vi vi phạm trên thị trường, song vấn đề là cần ngăn chặn sớm để không còn hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy.

Không phải đến khi có những vi phạm lớn, dư luận quan tâm mới vào cuộc, tránh hành vi thao túng lũng đoạn kéo dài một thời gian, tác động lớn tới thị trường, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng hoạt động giám sát hiện nay vẫn còn khá lỏng lẻo tạo ra nhiều khoảng trống. Hoàn thiện điều này sẽ góp phần làm minh bạch các hoạt động đầu tư trên thị trường, ngăn ngừa các hành vi trục lợi và phát triển thị trường bền vững hơn.

Cùng với sự phát triển nhanh của thị trường chứng khoán, các quy định pháp lý cũng cần phát triển để theo kịp và tốt hơn hết là chủ động đi trước, tạo nền tảng cho sự phát triển các định chế mới, tạo nền tảng cho sự tham gia có hiệu quả của toàn xã hội vào việc giám sát, tuân thủ trên thị trường; đồng thời cần xây dựng một văn hóa độc lập, khách quan, trung thực trong mọi hoạt động của thị trường.

Hay như đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường này đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý, song vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững.

Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt không có đảm bảo, không công khai minh bạch trong hoạt động.

Những bất cập trong cơ chế quản lý giám sát, nhất là đối với mục đích sử dụng vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể làm biến tướng ý nghĩa của kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả này.

Thậm chí còn khiến trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế.

Việt Nam đã trải qua một thời kỳ dài cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn.

Nhiệm vụ cần tập trung lúc này là đảm bảo thị trường lành mạnh dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Do đó, bên cạnh cải cách doanh nghiệp, nhà nước cũng cần tập trung quản lý thị trường, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường ở những tập đoàn lớn.

Cần phải khẳng định rằng yếu tố quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là tạo một môi trường minh bạch, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng... Ngoài ra, tạo một thị trường tài chính ổn định, đảm bảo hệ thống thủ tục thông thoáng, minh bạch cũng giúp Việt Nam thực thi hiệu quả Chương trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững.

Những vụ án mới được khởi tố gần đây là một thông điệp rõ ràng, chắc chắn rằng không có một "quyền lực đen" nào có thể lợi dụng kẽ hở của thị trường để "lộng hành" thao túng thị trường.

Không ai có thể lạm quyền, lộng quyền, làm trái, bất chấp nguyên tắc, quy định, quy chế, thể chế để vụ lợi. "Quyền lực đen" đó sẽ phải được nhốt vào chiếc "lồng" thế chế, dựa trên các quy định, chính sách.

Và đương nhiên, các cơ chế chính sách vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để đảm bảo công khai, minh bạch mới có thể "triệt" được những "con sâu" từ gốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục