Theo sử sách, các làn điệu Xoan cổ được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước.
Gốc của hát Xoan là ở vùng Phú Thọ sau đó lan tỏa tới các làng quê ở hai bên bờ sông Lô thuộc Phú Thọ và cả Vĩnh Phúc. Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu, hiện ở Phú Thọ còn bốn phường Xoan cổ là Kim Đới, An Thái, Phù Đức và Thét ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát nghi lễ với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
Cùng với các nghệ nhân hát Xoan, các Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, các trùm phường Xoan đã và đang có nhiều đóng góp trong gìn giữ, phát huy và lan tỏa những câu hát Xoan trong đời sống cộng đồng và trở thành những “báu vật sống” của phường Xoan.
Nói đến hát Xoan Phú Thọ, hẳn nhiều người không còn lạ với cái tên Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Với những đóng góp không ngừng nghỉ ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc giữ gìn, truyền dạy và quảng bá hát Xoan, bà đã vinh dự được trao “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” năm 2021.
“Đào” Lịch sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống 5 đời hát Xoan ở làng An Thái. May mắn có ông nội và bố đều là Trùm của phường Xoan An Thái, nên ngay từ nhỏ, những làn điệu Xoan cứ âm thầm “ngấm” vào cô đào Xoan Nguyễn Thị Lịch. Khi 9 tuổi, đào Lịch được ông và bố truyền dạy tất cả các làn điệu hát Xoan. Năm 13 tuổi, đào Lịch đã được trình diễn hát Xoan trong lễ hội làng An Thái và tại các đình làng khác trong vùng.
[Hát Xoan - Di sản thấm tình đất và người Phú Thọ]
Năm 1979, đào Lịch đã tự mình thành lập một Câu lạc bộ hát Xoan gồm 15 thành viên với nhiều lứa tuổi khác nhau để truyền dạy, thực hành hát Xoan. Từ đó, vào mỗi dịp lễ, Tết, câu hát Xoan lại vang lên ở khắp các đình làng trong vùng. Đến năm 2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết định tái lập phường Xoan An Thái, bà Lịch được tín nhiệm bầu làm Trùm phường Xoan cho đến nay.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch đã tổ chức mở các lớp truyền dạy hát Xoan cho các thành viên và những người yêu điệu Xoan Đất Tổ, tạo điều kiện cho phường Xoan tham gia nhiều hoạt động trình diễn ở nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: “Được cha ông trao truyền cho làn điệu hát Xoan, chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm trong việc trao truyền di sản cho thế hệ trẻ, để cùng gìn giữ và phát huy giá trị quý báu và đặc trưng của di sản. Tôi luôn mong muốn hát Xoan Phú Thọ sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.”
Ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì có tới ba phường Xoan gốc. Cụ Lê Xuân Ngũ - 84 tuổi, là người cao tuổi nhất trong các trùm phường Xoan, đã có mấy chục năm gắn bó với hát Xoan. Hiện nay, khi tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng Trùm phường Xoan Phù Đức vẫn nặng lòng với những câu hát Xoan của ông cha trao truyền lại.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Xoan, có bố là Trùm phường Xoan Phù Đức, nên ngay từ nhỏ, kép Xoan Lê Xuân Ngũ đã sớm được làm quen với các làn điệu Xoan cổ, cả tuổi thơ tuổi thơ thấm đẫm trong những làn điệu đặc sắc của hát Xoan nên kép Xoan nhí đã nhanh chóng thuộc lời, cách hát, múa, dẫn cách, đánh trống, gõ phách. Với sự say mê cùng năng khiếu bẩm sinh, kép Ngũ thường xuyên được tham gia biểu diễn trong các lễ hội đình làng và giao lưu, kết nghĩa với các phường Xoan trong vùng.
Trở về địa phương sau những năm tháng tham gia quân ngũ, năm 1979, ông Ngũ được tín nhiệm bầu làm Trùm phường Xoan Phù Đức đến nay. Đến năm 2019, trùm Ngũ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Với các kỹ năng hát, múa, trình diễn, đánh trống và cả sử dụng phách điêu luyện, cụ đã tận tâm truyền dạy cho hàng trăm người ở các lứa tuổi về nguồn gốc lịch sử, giá trị văn hóa của hát Xoan, đặc biệt, trùm Ngũ rất khắt khe trong việc dạy hát Xoan, từng động tác, từng câu hát được rèn đi rèn lại đến thành thục. Đó cũng là cách cụ truyền lại những tinh hoa riêng của phường Xoan Phù Đức để các học trò tiếp nối mạch nguồn, lan tỏa tình yêu hát Xoan, góp phần đưa hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đối với các trùm phường Xoan đều được sinh ra và lớn lên tại phường Xoan của mình, nhưng Trùm phường Xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga lại được sinh ra và lớn lên ở làng Xoan An Thái, xã Phượng Lâu. Cha của bà trùm Nga là thành viên của phường Xoan An Thái. Cũng theo cha học hát Xoan từ khi mới 14-15 tuổi nhưng chỉ đến khi làm dâu ở xã Kim Đức, cơ duyên cùng với tình yêu hát Xoan được truyền từ người cha đã đưa bà Nga gắn bó với phường Xoan Thét.
Trải qua 24 năm gắn bó với nghệ thuật hát Xoan, bằng tình yêu và lòng đam mê, bà Nga đã nắm vững và trình diễn thuần thục 26 bài Xoan cổ cũng như những kỹ năng hát múa của đào Xoan, đánh trống, phách của kép Xoan. Năm 2015, bà được phường Xoan Thét tín nhiệm bầu làm Trùm phường.
Cùng với những “cây đa,” “cây đề” của phường Xoan Thét, bà Nga luôn tích cực tham gia các hoạt động thực hành, trình diễn và khôi phục các tập tục hát Xoan; đồng thời tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trong phường Xoan, các lớp nghệ nhân kế cận, cộng đồng, giáo viên dạy âm nhạc và học sinh của các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bà Nga cũng có nhiều đóng góp tích cực từ việc tổ chức cho phường Xoan biểu diễn theo nghi thức cổ, cung cấp những bài hát hát Xoan cổ, tư liệu liên quan đến hát Xoan, các bài bản, lề lối trình diễn, phong tục...
Trong quá trình lập hồ sơ di sản đề nghị UNESCO công nhận Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau này là làm hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bà Nga đã có nhiều đóng góp tích cực từ việc tổ chức cho phường Xoan biểu diễn theo nghi thức cổ, cung cấp những bài hát hát Xoan cổ, tư liệu liên quan đến hát Xoan, các bài bản, lề lối trình diễn, phong tục cho các nhà nghiên cứu ghi chép, ghi hình, chụp ảnh đưa vào hồ sơ. Đặc biệt, năm 2016, bà thay mặt phường Xoan Thét viết bản Cam kết gửi UNESCO để thể hiện lòng mong muốn di sản Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chia sẻ cảm xúc của mình, bà Nga cho biết: “Thời gian qua, tôi và các anh, chị, em trong phường Xoan đã rất cố gắng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan, quảng bá Hát Xoan đến với đông đảo người dân, du khách. Khi biết mình được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ,” tôi nhận thấy những công sức, đóng góp của mình và các thành viên trong phường đã được đền đáp xứng đáng. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào về điều này!”
Nói về trách nhiệm của mình với vai trò là nghệ nhân Hát Xoan, bà Nga cho biết: “Bản thân tôi sẽ tiếp tục cố gắng cùng với các thành viên trong phường đưa Hát Xoan đến gần hơn với tất cả mọi người, lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng xã hội. Tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền, ban, ngành của địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần lưu truyền Hát Xoan, để Hát Xoan thực sự sống mãi trong lòng mỗi người dân Đất Tổ nói riêng và người dân đất Việt nói chung.”
Trở thành Trùm phường Xoan Kim Đới khi mới 25 tuổi, nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Văn Quyết là trùm phường xoan trẻ nhất trong lịch sử các phường Xoan. Sinh ra trong gia đình có ông nội và bà ngoại đều là những nghệ nhân hát Xoan nổi tiếng trong vùng lại được sống trong những làn điệu Xoan từ nhỏ, thường xuyên được theo ông nội là Trùm phường Xoan Kim Đới đi biểu diễn khắp nơi nên đã sớm trở thành một trong những kép Xoan chính của phường Xoan Kim Đới.
Năm 2009, anh Nguyễn Văn Quyết đã bắt đầu tự mở lớp dạy học hát Xoan đầu tiên tại nhà với gần 30 học viên ở đủ mọi lứa tuổi, người nhỏ nhất là 4 tuổi. Từ đó đến nay, trùm Quyết đã truyền dạy cho khoảng 600 học viên ở khắp nơi trong tỉnh, từ lớp kế cận của các phường Xoan đến giáo viên âm nhạc của các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, đến các em học sinh trên địa bàn và những người yêu hát Xoan. Nhận thức rất rõ việc nắm giữ, thực hành các bài hát Xoan cổ theo nghi thức truyền thống là điều không dễ dàng, nhưng trùm Quyết luôn có phương pháp phù hợp với từng đối tượng, giúp họ thêm hiểu về giá trị văn hóa và thêm yêu với điệu Xoan đất Tổ.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở khu 8, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, 28 tuổi, đã có 16 năm thực hành Hát Xoan. Với nghệ nhân Hát Xoan trẻ nhất trong số các nghệ nhân Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ được phong tặng tối nay 23/11/2021, đam mê, nhiệt huyết và trách nhiệm luôn là cảm hứng bất tận trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của Tuấn.
Anh Tuấn chia sẻ vui lắm vì đã được các cấp chính quyền ghi nhận những cống hiến của em đối với bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan. “Thực sự em không nghĩ mình được phong tặng danh hiệu nghệ nhân khi tuổi đời còn trẻ như vậy. Bởi so với nhiều nghệ nhân khác, em thấy những đóng góp của mình thật nhỏ bé. Danh hiệu lớn lao này chính là động lực để những người yêu, đam mê Hát Xoan, đặc biệt là lớp trẻ như chúng em sẽ cố gắng hơn nữa trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.”
Sinh ra và lớn lên ở phường Xoan An Thái, Tuấn đã may mắn được trao truyền, tiếp thu vốn quý nghệ thuật truyền thống từ các bậc lão niên, tâm huyết giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuấn làm quen với Hát Xoan từ bé nên “niềm đam mê với Hát Xoan” cứ lớn dần theo thời gian. Năm 12 tuổi, Tuấn chính thức tham gia vào các hoạt động thực hành, trình diễn, truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan. Em là thành viên xuất sắc của phường Xoan An Thái.
Năm 2008, em thi đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Phú Thọ. Chính trong môi trường đào tạo bài bản này, tài năng của Tuấn được khích lệ, phát huy. Năm 2011, tốt nghiệp xuất sắc, Tuấn được giữ lại trường để giảng dạy bộ môn “Hát Xoan.” Từ đó cho đến nay, Tuấn có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động truyền dạy thực hành Hát Xoan trong cộng đồng, khu dân cư, các cấp học từ tiểu học đến trung cấp chuyên nghiệp, các câu lạc bộ, các cơ quan…
Thật đáng trân trọng, khi con đường gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông trong đời sống hôm nay vẫn được những người trẻ như Nguyễn văn Tuấn và thế hệ đi sau tiếp bước.
Sau 7 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, với những nỗ lực cố gắng của tỉnh Phú Thọ, Hát Xoan đã hồi sinh, lan tỏa mạnh mẽ. Tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO chuyển từ di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kết quả đó có những đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân, những báu vật nhân văn sống. Phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan” chính là sự tôn vinh xứng đáng, để họ có thêm động lực, tiếp tục truyền lửa Hát Xoan.
Cùng với Trùm phường Xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga, nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Văn Quyết đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nhằm ghi nhận những đóng góp của những Trùm phường xoan trẻ, tâm huyết đối với hát Xoan Phú Thọ./.