Những biện pháp giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị

Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ mắc, tử vong, chịu gánh nặng bệnh tật do hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất trên thế giới.
Những biện pháp giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị ảnh 1Khám, tư vấn miễn phí bệnh hen phế quản cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ mắc, tử vong, chịu gánh nặng bệnh tật do hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cao nhất trên thế giới.

Đáng lưu ý, hiện nay có nhiều người bệnh không điều trị ở giai đoạn ổn định mà để tình trạng xuất hiện những đợt cấp khiến chi phí điều trị rất cao (gấp 10 lần so với giai đoạn ổn định), lên tới 220 triệu đồng.

4,1% dân số mắc bệnh hen suyễn

Tại Việt Nam, có 4,1% dân số bị mắc bệnh hen suyễn, những chỉ có 29% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen suyễn. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi và 37% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng, điều này gây ảnh hưởng đến công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

[Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có ngân hàng sữa mẹ chuẩn quốc tế]

Chiều 16/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam đã phối hợp cùng AstraZeneca tổ chức họp chuyên gia về “Chứng cứ kinh tế y tế trong quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,” để thảo luận nhiều giải pháp giúp quản lý các bệnh nhân hen và COPD tốt hơn nhằm giảm chi phí điều trị cũng như đề xuất các giải pháp để bảo hiểm y tế chi trả thuốc cho những đối tượng bệnh nhân này.

Cuộc họp thảo luận những giải pháp quản lý bệnh nhân hen và bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính một cách hiệu quả trong cộng đồng, thông qua việc đánh giá kinh tế y tế cũng như tác động ngân sách trong viêc triển khai đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại tuyến y tế cơ sở.

Phó giáo sư Phạm Huy Tuấn Kiệt - Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế (Đại học Y Hà Nội) cho biết, Nghiên cứu về hành vi khám chữa bệnh ở Việt Nam cho thấy: chỉ có 5% được chẩn đoán và điều trị đúng cách, 29% đi khám bác sỹ, 43% tự mua thuốc hay theo toa cũ. Có đến 89% không được điều trị dự phòng. Do đó, phát hiện sớm và quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng cũng là một can thiệp kỳ vọng có tính hiệu quả.

Những biện pháp giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị ảnh 2

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng nhau bàn luận về nhu cầu quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại tuyến cơ sở, thực trạng hiện nay cũng như các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế đối với việc chi trả bảo hiểm y tế cho các thuốc điều trị duy trì nhằm cởi bỏ rào cản giới hạn chi trả để tăng sự tiếp cận của thuốc điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đối với bệnh nhân trong cộng đồng.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, với sự thay đổi mô hình bệnh tật của các bệnh không lây nhiễm đặc biệt là bệnh Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chi phí về chăm sóc y tế, đặc biệt là chi phí điều trị gia tăng nhanh chóng, là mối lo ngại ngày càng lớn đối với chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.

Theo ông Khuê, hiện nay công nghệ y tế được xem là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các quyết định chính sách chi trả bảo hiểm dựa trên bằng chứng. Một trong những ứng dụng quan trọng của đánh giá công nghệ y tế là đánh giá chi phí – hiệu quả. Bằng chứng về hiệu quả kinh tế của thuốc đã dần trở thành tiêu chí quan trọng trong công tác quản lý chi phí khám chữa bệnh được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Những biện pháp giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị ảnh 3Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh phát biểu tại cuộc họp với các chuyên gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Hội thảo là một diễn đàn để các nhà quản lý và nhà chuyên môn tìm ra hướng đi, giải pháp bền vững để giúp bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được gia tăng tiếp cận với thuốc điều trị duy trì nhằm giúp bệnh nhân được kiểm soát bệnh một cách hiệu quả nhất, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay.

Phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen và Dị ứng miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, điều trị ngoại trú hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn ổn định để tránh đợt cấp là giải pháp có hiệu quả cao. Chi phí trực tiếp để điều trị duy trì bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định trong vòng một năm chỉ mất 22 triệu đồng so với 220 triệu đồng là chi phí cần chi trả cho bệnh nhân phải điều trị đợt cấp. Như vậy, có thể giúp giảm 90% chi phí nếu chúng ta điều trị bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn ổn định.

Những biện pháp giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị ảnh 4Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

“Con số này cũng đạt được tương tự đối với điều trị duy trì bệnh nhân hen. Do đó, để giảm gánh nặng đợt cấp hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giải pháp kinh tế nhất là xây dựng Đơn vị Quản lý hen- bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Ngoại trú đạt chuẩn tại tuyến quận huyện,” phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan chỉ rõ.

Thạc sỹ Trương Lê Vân Ngọc - Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, việc thiết lập các đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thống nhất, chuẩn hóa mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng cường tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng, giúp giảm biến chứng, tăng cường chất lượng sống, giảm chi phí.

Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt điều này, cần sự chỉ đạo mạnh mẽ, phối hợp của cơ quan quản lý quản lý như Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các Hội chuyên ngành, các cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế và sự tham gia của người bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục