Họ là những cựu chiến binh, tuy mang thương tật trong người nhưng với ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, họ không chỉ vượt khó làm giàu mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
Thương binh nặng vẫn làm kinh tế giỏi
Là thương binh hạng 1/4 với những mảnh đạn vẫn còn găm trên người, cựu chiến binh Nguyễn Duy Tố (sinh năm 1949) ở thị trấn Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) vẫn là người sản xuất giỏi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, mấy ai hiểu hết được những khó khăn mà người cựu chiến binh này đã từng trải qua.
Ông Tố cho biết, trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập, ông thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến, trải qua nhiều đơn vị đóng quân khác nhau. Năm 1969, trong một trận chống càn của địch ở đường 9 Khe Sanh tràn ra Nam Lào, ông bị thương nặng với ba mảnh đạn găm trong đầu.
Giải ngũ sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1975, cuộc sống của gia đình ông Tố vô cùng khó khăn, vết thương cũ tái phát, bản thân hay đau ốm phải nằm viện.
Không khuất phục trước hoàn cảnh, ông động viên vợ con vượt khó khăn, chăm chỉ làm ăn, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất.
Khai hoang đồi núi, nuôi gà, nuôi lợn, rảnh ra chút nào là ông Tố lại khăn gói đi tham quan học tập các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
Ròng rã khai hoang đồi núi suốt 10 năm trời, từ 0,5ha đất để trồng cây ăn quả, đến nay gia đình ông Tố đã có thêm gần 5ha rừng trồng cho khai thác, bình quân mỗi lần thu hoạch, ông thu được hơn 150 triệu đồng. Ông còn tìm tòi học nghề cây cảnh.
Nhờ chăm chỉ và có khiếu chơi cảnh, hiện nay gia đình ông có một vườn hơn 3.000 cây các loại, chủ yếu là mai vàng Huế. Trong đó, nhiều gốc mai trị giá cả mấy chục triệu đồng.
Ông Tố tâm sự: “Nhớ lời Bác dạy, bản thân là một người lính được rèn luyện trong gian khổ, nên tôi quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng phấn đấu vượt qua, đặc biệt là phải biết 'cần, kiệm' mới có được như ngày hôm nay.”
Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Nguyễn Duy Tố còn là một Bí thư Chi bộ gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung. Những năm 80 của thế kỷ trước, khu vực nơi ông Tố cư trú không có chi đoàn thanh niên. Ông đã chủ động tập hợp thanh niên hoạt động Đoàn và chỉ đạo thành lập được chi đoàn tại địa phương.
Ông tích cực tuyên truyền, động viên người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm giúp đỡ gia đình chính sách, khơi dậy lòng biết ơn các thế hệ đi trước bằng hành động thiết thực.
Ông còn đứng ra đóng góp, vận động bà con cùng góp công góp của lấp hồ, xây dựng trung tâm sinh hoạt động đồng ở địa phương với diện tích gần 2.000m2, trị giá 300 triệu đồng; vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, tạo thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, mà đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc. Chi bộ của ông nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Với những đóng góp của mình, thương binh Nguyễn Duy Tố đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Kỷ niệm chương.
Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
Cũng là thương binh hạng 1/4, anh Đinh Gia Tải ở xóm Yên Sơn, xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, đã vượt qua khó khăn, thương tật để vươn lên, cùng gia đình phát triển kinh tế.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Tải cho biết anh sinh năm 1965, tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên (Nam Định). Năm 1981, anh Tải theo cha mẹ lên vùng kinh tế mới ở xã Yên Lạc, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, sinh sống.
Đến năm 1986, Đinh Gia Tải tình nguyện nhập ngũ và được vào đơn vị công binh C17 D266 E313, thuộc Quân khu II, đóng quân ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Cuối năm 1986, anh Tải bị thương nặng với nhiều mảnh đạn văng vào ngực và lưng. Sau đó, anh được đơn vị chuyển về Đoàn an dưỡng 235 Vĩnh Phúc để điều trị. Đến năm 1987, anh về an dưỡng tại Đoàn an dưỡng 587, tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Tháng 7/1988, anh Tải xin chuyển về an dưỡng tại địa phương và xây dựng gia đình.
Thời gian mới trở về địa phương, gia đình anh Tải gặp nhiều khó khăn, ruộng đất canh tác lại hạn hẹp. Anh đã tìm hướng để phát triển kinh tế gia đình. Với bản chất Bộ đội cụ Hồ, không ngại khổ, ngại khó, anh Tải vừa chăn nuôi lợn, gà, vừa xay xát gạo, sửa chữa điện tử, bán hàng tạp hóa.
Nhận thấy địa thế phù hợp với việc sản xuất và kinh doanh, năm 1991, anh Tải vay ngân hàng 40 triệu đồng và sử dụng số tiền lãi từ chăn nuôi, buôn bán để mở thêm cửa hàng chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật.
Tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế ở một số nơi, thấy việc sản xuất gạch ba vanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2008, anh dốc toàn bộ vốn liếng của gia đình và vay thêm bạn bè để đầu tư mua máy sản xuất gạch với mức đầu tư ban đầu gần 140 triệu đồng.
Loại gạch bê tông do cơ sở sản xuất của gia đình anh Tải làm ra đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Nhờ vậy, nên ngay trong tháng đầu sản xuất, gạch sản xuất ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó.
Sau một thời gian, cơ sở sản xuất gạch bê tông của thương binh Đinh Gia Tải đã được người dân ở các nơi biết đến nhiều hơn. Họ đến tham quan học tập kinh nghiệm và đặt mua hàng với số lượng lớn, nên việc sản xuất ngày càng ổn định.
Hiện nay, cơ sở sản xuất gạch bêtông của gia đình anh Tải đang sản xuất 2 loại gạch cùng kích cỡ, nhưng có độ chịu lực khác nhau, giá bán ra là 1.500 đồng - 1.800 đồng/viên; tạo việc làm thường xuyên cho bốn lao động là con em cựu chiến binh với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi lợn thịt để cung cấp ra thị trường, trung bình mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Tổng thu nhập từ chăn nuôi, kinh doanh và sản xuất của gia đình anh đạt gần 400 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, thương binh Đinh Gia Tải còn gương mẫu đi đầu trong công tác từ thiện và thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;” “đền ơn đáp nghĩa."
Từ năm 2004 đến nay, anh được đảng viên, xã viên Hợp tác xã thương binh huyện Yên Thủy tin tưởng bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn của Hợp tác xã.
Vượt qua khó khăn, thương tật, chiến thắng đói nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thương binh Đinh Gia Tải đã được các cấp, các ngành của tỉnh Hòa Bình tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Anh cũng được Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất./.