Những chính sách kinh tế mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023

Tạo điều kiện cho DN bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm; Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển; quy định mới về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở... là những chính sách kinh tế mới từ tháng 1/2023.
Những chính sách kinh tế mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023 ảnh 1Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. (Nguồn: Vietnam+)

Từ ngày 1/1/2023, một số chính sách liên quan đến kinh tế như tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm; Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển; Quy định mới về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2023... sẽ có hiệu lực thi hành.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Với 07 chương, 157 Điều, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây.

Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Luật bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

[Luật Kinh doanh bảo hiểm: Cân bằng lợi ích giữa các chủ thể]

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Luật còn bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển

Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ban hành ngày 9/12/2022 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của Hội đồng Nhân dân thành phố quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Những chính sách kinh tế mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023 ảnh 2Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XVI, Kỳ họp thứ 9 quyết nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 148/2016/NQ- HĐND ngày 13/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực của khẩu cảng biển Hải Phòng.

Cụ thể, về đối tượng miễn, giảm thu phí quy định, miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu,hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng;hàng hóa viện trợ,cứu trợ nhân đạo. Đồng thời, giảm 50% mức thu phí đối với hàng hóa của đối tượng nộp phí khi vào cảng và dời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện, Hội đồng Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết đúng quy định của pháp luật. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban của hội đồng nhân dân thành phố, Tổ đại biểu hội đồng nhân dân thành phố và đại biểu hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng khoá XVI, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/12/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Quy định mới về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng trong năm 2023

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.

Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các Thông tư kể trên là 5,0%/năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.

Quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/11/2022 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Thông tư quy định các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; trái phiếu Chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ; trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt và doanh nghiệp khác; các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 17/1/2023.

Điều kiện đối với trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/11/2022 quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Những chính sách kinh tế mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023 ảnh 3(Nguồn: Vietnam+)

Theo Thông tư quy định, trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1- Trái phiếu đặc biệt thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tín dụng, đang được lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

2- Không phải là trái phiếu đặc biệt đang trong quá trình thanh toán.

3- Không trong bảng kê trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản).

4- Tại ngày tổ chức tín dụng lập Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn và ngày tổ chức tín dụng cập nhật Bảng kê trái phiếu đặc biệt theo quy định, thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt dài hơn thời hạn đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn tối thiểu 06 tháng.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ lãi suất tái cấp vốn, lãi suất gia hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt là lãi suất cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP tại thời điểm khoản tái cấp vốn được giải ngân, gia hạn.

Lãi suất đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn của khoản tái cấp vốn tại thời điểm khoản tái cấp vốn chuyển quá hạn. Ngân hàng Nhà nước không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả của khoản tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.

Thời hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước quyết định, dưới 12 tháng và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn.

Thời gian gia hạn tái cấp vốn mỗi lần do Ngân hàng Nhà nước quyết định, không vượt quá thời hạn tái cấp vốn và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở gia hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/1/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục