Tờ Đại Công báo, nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc của Hong Kong, mới đây có bài phân tích xung quanh các động thái mới trên bán đảo Triều Tiên.
Bài viết cho biết thời gian gần đây liên tiếp lan truyền các tin tức xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Trước tiên, tại Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên khóa 14 hồi tháng 4/2019, ông Kim Jong-un đã được tái cử làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước này.
Tuy nhiên, vị thế của ông Choe Ryong-hae đã được nâng lên, việc thay đổi Thủ tướng trong nội các cũng là một sự đổi mới không nhỏ.
Hai là chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Mỹ nhằm thuyết phục Donald Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và dọn đường cho việc thực hiện tuyên bố chung và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên.
Ba là Mỹ tiết lộ có ý định thực hiện cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ ba và Kim Jong-un đã đưa ra trả lời có điều kiện.
Bốn là chuyến thăm được ấp ủ khá lâu của Kim Jong-un tới Nga đã được thực hiện. Chính các vấn đề nội bộ và hoạt động ngoại giao dày đặc đã khiến mọi người suy nghĩ nhiều hơn về tình hình khu vực Đông Bắc Á.
Năm 2018, xung quanh tình hình trên bán đảo Triều Tiên, các bên liên quan lợi ích đã tiến hành một loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là một loạt các hành động của Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên thu hút sự chú ý của dư luận, đã tháo dỡ ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng hết sức căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã 4 lần tới thăm Trung Quốc, đưa mối quan hệ Trung-Triều lạnh nhạt trở lại quỹ đạo bình thường và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên từ ngày 20-21/6.
Các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã vượt qua đường ranh giới quân sự vĩ tuyến 38, nguyên thủ hai nước Mỹ-Triều đã thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore và lần thứ hai tại Việt Nam.
Đằng sau các cuộc tiếp xúc ngoại giao dày đặc phần lớn là do sự thay đổi tư duy của ông Kim Jong-un.
[Mỹ và Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên]
Trong một thời gian dài, Mỹ và Triều Tiên là kẻ thù của nhau, sự hoài nghi chiến lược đã ăn sâu bén rễ.
Dưới thời Bush, Mỹ đã xây dựng chiến lược “tấn công phủ đầu”, coi các quốc gia như Triều Tiên là “trục ma quỷ” và “tiền đồn của chế độ chuyên chế,” cuộc khủng hoảng liên quan tới sự tồn vong của Triều Tiên trở nên trầm trọng.
Đặc biệt là Chiến tranh Iraq và kết cục của Saddam đã củng cố hơn nữa quyết tâm tự bảo vệ việc sở hữu hạt nhân của Triều Tiên.
Năm 2006, Triều Tiên đã thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên, sau đó gần như cứ 3 năm lại tiến hành thử hạt nhân một lần.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, rõ ràng đã đẩy nhanh tiến độ. Chỉ trong vẻn vẹn 5 năm, nước này đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân.
Từ năm 2013,Triều Tiên bắt đầu theo đuổi việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, năm 2016 tuyên bố tiến hành thử nghiệm bom hydro, năm 2017 đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu.
Theo phân tích của dư luận bên ngoài, Kim Jong-un đã tăng tốc công nghệ để nhanh chóng vươn lên đỉnh cao về mặt trang bị vũ khí hạt nhân, cung cấp sự hậu thuẫn vững chắc cho quốc phòng nhằm thay đổi chiến lược phát triển quốc gia.
Đúng như dự đoán, với bài phát biểu vào ngày đầu năm mới 2018, ông Kim Jong-un tuyên bố “đã hoàn thành việc xây dựng sức mạnh hạt nhân quốc tế và có khả năng tấn công hạt nhân chống lại toàn bộ nước Mỹ.”
Nhiều người lo ngại thái độ thất thường của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, tuy nhiên trái lại ông đã chúc mừng trước “Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang sẽ thành công, đồng thời sẵn sàng cử một phái đoàn tham gia sự kiện này,” chủ động chìa “cành ôliu” với Hàn Quốc.
Khi cả thế giới vẫn còn hoang mang với sự thay đổi này, Kim Jong-un ngay lập tức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc để bù đắp cho “sự chậm trễ.”
Ngày 20/4/2018, đảng Lao động Triều Tiên đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ ba đảng Lao động khóa 7, đưa ra quyết định lớn ngừng hoàn toàn các vụ thử nghiệm hạt nhân, đề xuất “quyết sách chiến lược tập trung toàn lực vào phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân,” đồng thời điều chỉnh chính sách “hòa bình và phát triển kinh tế song hành.”
Ngày 12/4/2019, Hội nghị Nhân dân tối cao một lần nữa viết ý tưởng này vào trong Cương lĩnh phát triển quốc gia, nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ trọng tâm hiện nay chính là tập trung toàn bộ sức mạnh của nhà nước vào xây dựng kinh tế và củng cố cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa.”
Hội nghị cũng nhấn mạnh: “Tự chủ về kinh tế là sự bảo đảm về vật chất và tiền đề để xây dựng đất nước, chỉ có dựa vào một nền kinh tế lớn mạnh thì mới có thể bảo vệ sự tôn nghiêm của quốc gia, không ngừng củng cố sức mạnh chính trị và quân sự,” đây được xem là sự mô tả có hệ thống về mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng.
Ông Kim Jong-un chỉ rõ: “Tự chủ là sinh mệnh của cuộc cách mạng Triều Tiên, là nền tảng cơ bản để xây dựng đất nước, phải kiên quyết khống chế cường quyền và sức ép từ các thế lực bên ngoài, thủ cựu, giáo điều, xây dựng và phát triển một nước xã hội chủ nghĩa tự chủ, tự lập và tự vệ.”
Tự lực cánh sinh cho dù là trong quá khứ và hiện tại đều là các nguyên tắc cơ bản mà nước cộng hòa cần phải tuân thủ.
Có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhận thức sâu sắc được rằng muốn tập trung vào xây dựng kinh tế mà bên ngoài không có môi trường hòa bình thì không thể tập trung tinh thần.
Do vậy, mỗi một từ ngữ trong báo cáo của ông vẫn có thể hé lộ những kỳ vọng của ông về việc cải thiện mối quan hệ Triều-Mỹ.
Kim Jong-un cho rằng sở dĩ cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội thất bại là do “Mỹ đến hội nghị này, chỉ với một phương án không thể đạt được.”
Ông nhấn mạnh rằng “chúng tôi không cần cũng không muốn tiến hành các cuộc gặp đỉnh thượng đỉnh giống như ở Hà Nội.” Nếu Mỹ có thái độ đúng đắn và tìm ra giải pháp mà hai bên có thể thương lượng được thì các cuộc hội đàm Triều-Mỹ cũng có thể được thử lại, nhưng Triều Tiên sẽ không chỉ vì để dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà cố chấp tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.
Trong mối quan hệ với Hàn Quốc, ông Kim Jong-un ông kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc không được “gió chiều nào che chiều ấy,” nhìn trước ngó sau, cũng không hành động như một trọng tài viên, mà là với tư cách của một dân tộc, đường đường chính chính đưa ra tiếng nói của mình, chứ không phải là khuất phục trước sức ép của Mỹ.
Năm 2019 là năm tích lũy thành tích chính trị để ông Donald Trump tái cử. "Cánh cửa" cơ hội của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ ba đã được mở, mặc dù các vấn đề nội bộ và ngoại giao của ông Trump hiện nay vấp phải nhiều cản trở, nhưng vị tổng thống quyền lực này vẫn có thể thông qua các mệnh lệnh hành chính và mạng xã hội Twitter để thực hiện một phần tham vọng chính trị của mình.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - với tư cách là đại diện của phe cứng rắn đối với Triều Tiên - sẽ đưa ra ý tưởng gì cho Tổng thống Trump trong thời gian tới ở chừng mực rất lớn sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của mối quan hệ Mỹ-Triều.
Ông Kim Jong-un cũng chỉ có thể nỗ lực cứu vãn, bày tỏ với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng dù Mỹ không nới lỏng các lệnh trừng phạt, nhưng vào thời điểm khó khăn này, Triều Tiên nhận được một số viện trợ nhân đạo của Nga cũng có thể giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt.
Nếu ông Putin có thể gây sức ép với Mỹ để giảm bớt một số biện pháp trừng phạt thì đó chính là một niềm vui bất ngờ./.