Ngày 26/2 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người hiến tạng chết não.
Giáo sư Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay đến nay, ca ghép phổi diễn ra suôn sẻ và bước đầu thành công.
Đây có thể được coi như là một kỳ tích của nền y học Việt Nam.
[Ca ghép phổi thành công đầu tiên từ người cho chết não]
Từ một bệnh nhân nam 45 tuổi, chết não hiến tặng tim, phổi, thận, giác mạc, Bệnh viện đã tiến hành lấy đa tạng cùng một thời điểm để ghép cho 6 bệnh nhân cả miền Bắc và miền Nam.
Cùng phóng viên VietnamPlus lắng nghe những chia sẻ của người bệnh, người nhà bệnh nhân sau ca ghép phổi kỳ tích này.
“Anh cứ viết đơn cho tôi!”
Sau gần 20 ngày được ghép phổi, đến nay bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 52 tuổi, quê Nam Định đã tự vận động, đi lại, ăn uống nhẹ nhàng, tự thở, các xét nghiệm ổn định.
Từ phòng chăm sóc đặc biệt, ông Hanh rất phấn khởi và cho hay, ông không còn khó thở như trước và đã tự thở được. Tự đáy lòng, ông bày tỏ sự cảm ơn tới những y, bác sỹ và đặc biệt là gia đình người đã có nghĩa cử cao đẹp, trao tặng phổi để ông và rất nhiều người bệnh khác có được cơ hội khỏe mạnh trở lại như ngày hôm nay.
Người nhà của bệnh nhân kể lại, ông Hanh bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại bệnh viện, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục. Trước đó, ông luôn trong tình trạng có thể chết bất cứ lúc nào vì đã suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối.
Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não, các chỉ số hòa hợp, các bác sỹ đã quyết định ghép phổi để cứu người bệnh.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh – con rể của bệnh nhân cho hay: “Đến bây giờ, gia đình chúng tôi mới thật sự thở phào, nhẹ tới 80% sự lo lắng. Như bố tôi vừa chia sẻ với mọi người, bố tôi ổn 80%. Trước đây, tiểu sử bố tôi bị ho, khó thở, hay phải thở oxy. Bố là con của liệt sỹ, từ nhỏ sống với mẹ, hai mẹ con nuôi nhau. Bố tôi không may bị ho gà từ bé, vì vậy phổi của ông như các bác sỹ khám có chẩn đoán đã bị vôi hóa và giai đoạn cuối.
Anh Mạnh chia sẻ: Sau khi đi khám bố tôi được các bác sỹ bệnh viện 108 khuyên, giải thích, gia đình vẫn lo lắng vì mọi người trong gia đình cũng không biết chuyên sâu về ghép tạng. Gia đình cũng lo lắng, chỉ biết tìm hiểu thêm qua mạng internet, nhưng vẫn cảm thấy mông lung. Rồi nhiều câu hỏi cứ được đặt ra với gia đình chúng tôi là nếu ghép thì sống thêm được bao lâu? Rồi lấy tiền ở đâu mà thuốc men… Cũng có thể bố tôi sẽ chấm hết ở đó…"
"Tuy nhiên bố tôi rất quyết tâm, tôi vẫn nhớ ông nói với tôi: 'Anh cứ viết cho tôi cái đơn, còn quyền là ở tôi'. Bố tôi rất tỉnh táo và rất dũng cảm về vấn đề này. Bố tôi bị bệnh này từ bé, nên sức lao động rất kém và trong những năm gần đây ông khó thở nhiều.”
Hơn 60 y, bác sỹ phục vụ trong gần 8 giờ đồng hồ
Giáo sư Mai Hồng Bàng điểm lại, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã trải qua 25 năm thực hiện với các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tuỵ, ghép giác mạc… và một số bộ phận cơ thể khác.
“Tuy nhiên ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học. Theo đánh giá, ghép phổi khó nhất bởi tính phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp, điều phối chặt chẽ,” giáo sư Bàng nhấn mạnh.
Kể từ khi nhận được thông tin có người cho chết não hiến tạng, các bác sỹ của bệnh viện chỉ có khoảng 40 giờ đồng hồ để hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế trước khi tiến hành lấy đa phủ tạng, ghép tạng cho các bệnh nhân.
Để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, số người tham gia gồm có hai chuyên gia đến từ nước Pháp, một chuyên gia đến từ Bỉ, và hơn 60 thầy thuốc, bác sỹ, phẫu thuật viên, kỹ sư, dược sỹ, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện.
Theo giáo sư Bàng, tại Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều. Bởi ở trường hợp ghép phổi từ người cho sống, các bác sỹ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân.
Với trường hợp ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp. Chính vì vậy, các bác sỹ phải khẩn trương để làm sao vừa phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép phổi trong một thời gian rất ngắn… Nhất là trường hợp này ghép 2 phổi đồng thời.
Đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, 1 ca ghép gan, 14 ca giác mạc, 27 ca ghép tủy… Tất cả các bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Số ca ghép tạng đã được triển khai tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong thời gian qua.
Miễn phí kinh phí cho bệnh nhân
Trước đó, từ tháng 3/2016, Bệnh viện triển khai Đề án Khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Kết quả thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên lấy từ người cho chết não ở Việt Nam tại bệnh viện là sản phẩm đặc biệt của Đề tài Khoa học công nghệ Cấp Quốc gia.
Để chuẩn bị nguồn lực cho ghép tạng, bệnh viện đã từng gửi 4 êkíp kỹ thuật sang Bệnh viện Foch (ở Pháp) để học tập. Bởi đây là bệnh viện đã thực hiện trên 600 ca ghép phổi. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Bệnh viện Foch cũng sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trực tiếp chuyển giao và cùng tham gia thực hiện kỹ thuật ghép phổi…
Trả lời câu hỏi về việc thực hiện một ca ghép phổi với bệnh nhân nguồn kinh phí như thế nào? Giáo sư Bàng cho hay: “Hiện nay, chúng tôi chưa tính một ca ghép hết bao nhiêu tiền, bởi vì bệnh nhân hiện nay được miễn phí hoàn toàn , tất cả mọi chi phí đã được Chương trình đề tài của Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ, cũng như đề án của Chính phủ hỗ trợ.”
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng hỗ trợ bệnh nhân kinh phí trong tất cả các khâu chuẩn bị, chi phí cho cuộc ghép phổi, mọi khâu đều nằm trong chương trình, vì vậy gia đình bệnh nhân hoàn toàn chưa phải chi trả một khoản tiền nào. Thậm chí, trong giai đoạn điều trị của bệnh nhân trước khi vào chưa biết có được ghép hay chưa bệnh viện đã miễn phí cho bệnh nhân để chuẩn bị trước khi ghép./.