Xu hướng tăng giảm trái chiều của hai loại dầu New York và Brent diễn ra trong hầu hết các phiên giao dịch tuần qua, chi phối chủ yếu bởi nguy cơ dư cung trong khi nhu cầu tiêu thụ có xu hướng giảm.
Ngoài ra, các số liệu kinh tế mới nhất từ Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới - cũng tác động tới thị trường năng lượng.
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, giữa bối cạnh thị trường không còn chịu nhiều tác động từ tình hình bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới, do giới đầu tư dường như cũng đã "thích nghi" dần với các cuộc xung đột dọc biên giới Ukraine, hay những căng thẳng leo thang tại Libya và Syria, những thông tin trái chiều về dự trữ dầu thô tại hai nước tiêu thụ dầu mạnh nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã liên tiếp tác động lên giá “vàng đen” trong hai phiên này.
Theo cuộc khảo sát do hãng Dow Jones Newswires tiến hành, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 22/8 giảm 900.000 thùng, dự trữ xăng ước tính giảm 1 triệu thùng và các chế phẩm từ dầu mỏ như dầu diesel và dầu sưởi ấm ước giảm 600.000 thùng.
Trong khi đó, báo cáo mới đây cho thấy dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng lên trong tháng 6/2014, càng củng cố thêm mối lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ dư cung trên thị trường năng lượng.
Tới phiên giao dịch ngày 27/8, giá hai loại dầu chủ chốt lại đồng loạt được đẩy lên nhờ một loạt số liệu tích cực từ kinh tế Mỹ và báo cáo chính thức từ Bộ Năng lượng nước này cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến.
Tuy nhiên, mối lo ngại về nguy cơ cung vượt quá cầu vẫn thường trực trong giới đầu tư, qua đó khiến hoạt động giao dịch trên thị trường năng lượng trở nên kém sôi động hơn trong ngày giao dịch 28/8, bất chấp việc Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh nâng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 2/2014, cũng như các thông tin tích cực từ thị trường việc làm và thị trường bất động sản của nước này.
Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu lại đua nhau đi lên, khi thị trường ngày càng nghiêng về dự đoán nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Mỹ sẽ tăng, nhờ một loạt tín hiệu sáng cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được cải thiện rõ rệt. Thêm vào đó, tình hình căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga, cũng tạo lực đẩy cho giá “vàng đen.”
Trước những cáo buộc của Ukraine về việc Nga có hành động "xâm phạm trực tiếp" miền Đông Ukraine và tăng cường lực lượng tại biên giới hai nước, Moskva một lần nữa bác bỏ thông tin trên, cho rằng chính Kiev đã phá vỡ mọi thỏa thuận chính trị trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.
Khép lại phiên giao dịch 29/8, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2014 tăng 1,41 USD, lên 95,61 USD/thùng, so với mức đóng cửa tuần trước đó là 93,11 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 73 cent (1,6%), lên 103,19 USD/thùng, so với mức 102,15 USD/thùng của tuần trước đó./.