Vượt qua những khó khăn tài chính, có thể nói đến thời điểm hiện tại, nước chủ nhà Brazil đã tổ chức một kỳ Đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật (Paralympic) thành công, với lượng vận động viên tham gia đông đảo và hàng loạt kỷ lục được thiết lập.
Dưới đây là một số điểm đáng chú ý tại Paralympic Rio năm nay.
Đối thủ đáng gờm của Paralympic London 2012
Dù Paralympic London 2012 đã lập kỷ lục về số vận động viên tham gia, song Paralympic Rio 2016 lại đang trên đà vượt mặt "người tiền nhiệm" khi lần lượt ghi nhận các “dấu ấn mới” ở một loạt nội dung thi đấu.
Tính đến hết ngày thi đấu thứ sáu, Paralympic 2016 đã ghi nhận 132 kỷ lục thế giới bị "xô đổ," và 214 kỷ lục mới được lập nên trong lịch sử Paralympic.
Trong khi đó, tổng số kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic mà Paralympic 2012 ghi nhận được lần lượt là 251 và 314.
Phát ngôn viên của Ủy ban Paralympic quốc tế Craig Spence cho biết Paralympic vẫn đang phát triển và rằng “ở thời điểm hiện tại chúng ta có thể thấy vẫn còn rất nhiều kỷ lục thế giới được lập nên.”
Sự thiệt thòi
Ở nhiều nước, đa số các vận động viên tham dự Paralympic thường ít được nhận sự hỗ trợ so với các đoàn thể thao tham dự Đại hội thế thao thế giới (Olympic).
Tại Mỹ, Ủy ban Olympic nước này treo giải thưởng cho vận động viên giành được huy chương vàng là 25.000 USD, trong khi vận động viên Paralympic chỉ được 5.000 USD.
Các nhà tài trợ cũng tỏ ra không mặn mà với các vận động viên khuyết tật.
Đơn cử như tay đua xe đạp khuyết tật người Mỹ Joe Berenyi đã giành bốn huy chương Paralympic và từng được đề cử cho giải thưởng ESPY do kênh truyền hình thể thao nổi tiếng ESPN tổ chức, song vẫn chưa được ký hợp đồng với một nhà tài trợ chính nào.
Thực hành và thực hành
Vận động viên người Mỹ Josh George và Tatyana McFadden là hai trong số các tay đua xe lăn marathon hàng đầu thế giới, nhưng điều này không phải dễ dàng mà có được.
Để có được vị trí như ngày hôm nay, George và McFadden đã phải luyện tập không ngừng nghỉ suốt 6 đến 7 ngày mỗi tuần, đôi khi 2 lần mỗi ngày, trên đường đua cũng như trên đường bộ.
Hai vận động viên này cũng phải tập tạ 2 - 3 ngày mỗi tuần.
"KHÔNG" trong Olympic
Có hai môn thể thao tại Paralympic không xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào tại Olympic. Một là Goalball dành cho vận động viên khiếm thị.
Họ ghi điểm bằng cách lăn những trái bóng có tốc độ lên đến 95km mỗi giờ vào khung thành đối phương.
Trong môn này, khán giả phải tuyệt đối im lặng để các vận động viên nghe được tiếng chuông đặt bên trong trái bóng.
Một môn thi đấu khác không có trong Olympic là Boccia. Đây là một môn thể thao đặc biệt, được sinh ra để dành riêng cho những người không may mắn bị chậm phát triển về trí não.
Mục tiêu của người chơi là phải lăn các trái bóng nhiều màu sắc đến gần nhất có thể với trái bóng mục tiêu mục tiêu gọi là Jack.
Đây là một môn thể thao thú vị, đòi hỏi người chơi một sự tập trung rất lớn.
Powerlifting
Đây xứng đáng là môn thể thao đáng được đề cập đến. Powerlifting là môn thi nâng vật nặng để “khoe” sức mạnh thể chất có người chơi đa phần là nam giới.
Trong môn thi đấu này, các vận động viên phải nâng một vật nặng gấp 3 lần trọng lượng cơ thể mình./.